Tình yêu sâu sắc với Thủ đô Hà Nội của ‘Công dân Thủ đô ưu tú’

09/10/2024 3:31 PM

(Chinhphu.vn) - Với tình yêu Thủ đô Hà Nội da diết, cùng với nhiều cống hiến quý báu dành cho Thủ đô Hà Nội, danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 thực sự xứng đáng với sự lao động miệt mài của TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) trong hàng chục năm qua.

Ngày 8/10, TS. Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia pháp luật, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của UBND TP. Hà Nội xây dựng Luật Thủ đô năm 2024 đã vinh dự được lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024.

Chặng đường dài đồng hành với ngành tư pháp

Là một trong 10 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được TP. Hà Nội lựa chọn để trao tặng danh hiệu cao quý nhân dịp kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), TS. Dương Thị Thanh Mai không khỏi xúc động khi nhìn lại chặng đường dài mà bà đã đồng hành với ngành Tư pháp và cống hiến hết mình cho Thủ đô Hà Nội.

Tình yêu sâu sắc với Thủ đô Hà Nội của ‘Công dân Thủ đô ưu tú’- Ảnh 1.

TS. Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia pháp luật, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) luôn dành tình yêu lớn lao cho Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP

TS. Dương Thị Thanh Mai sinh năm 1954 tại Tuyên Quang (Chiến khu Việt Bắc). Từ năm 1995, bà về công tác tại Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) với chức vụ Phó Viện trưởng, rồi làm Viện trưởng (2005 – 12/2008). Từ năm 2009 đến năm 2015, Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai là Chuyên gia Cao cấp, Cố vấn lãnh đạo Bộ Tư pháp. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, TS. Dương Thị Thanh Mai vẫn được rất nhiều cơ quan, tổ chức mời làm chuyên gia tư vấn để tiếp tục có nhiều ý kiến quý báu đối với lĩnh vực của ngành.

Trong thời gian công tác tại Viện Khoa học pháp lý (nay là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý) thuộc Bộ Tư pháp, TS. Dương Thị Thanh Mai luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành nhiệm vụ cả trong công tác quản lý và chuyên môn.

Đặc biệt, TS. Dương Thị Thanh Mai đã từng làm chủ nhiệm 25 đề tài, đề án khoa học, dự án điều tra cơ bản cấp Bộ, phục vụ trực tiếp việc hoàn thiện thể chế và cơ chế tổ chức thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.

Điển hình, bà là chủ nhiệm của đề tài cấp nhà nước "Thể chế xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay", Thư ký chuyên môn 2 đề tài cấp Nhà nước "Cải cách các cơ quan tư pháp, các hoạt động tố tụng, nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của toà án trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" và "Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN".

Trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật, theo phân công của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Viện Khoa học Pháp lý và cá nhân bà thực hiện nghiên cứu và trực tiếp tham gia soạn thảo một số nghị quyết quan trọng của Đảng về pháp luật, tư pháp như Nghị quyết số 48-NQ/TƯ ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Hệ thống pháp luật Việt Nam định hướng đến 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 02/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020; Chuyên đề "Một số quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của người dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phục vụ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiên Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam".

Bên cạnh đó, TS. Dương Thị Thanh Mai cũng đã từng là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập của một số luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo như: Luật về Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Luật nuôi con nuôi; Luật Trợ giúp pháp lý, Luật tiếp cận thông tin; các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về Thừa phát lại, các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Với riêng TP. Hà Nội, cá nhân TS. Dương Thị Thanh Mai đã có nhiều đóng góp quý báu, điển hình là thành viên Tổ biên tập của Bộ Tư pháp soạn thảo Luật Thủ đô năm 2012; thành viên Tổ biên tập Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi; là trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của UBND Thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012; xây dựng chính sách cơ bản của Luật Thủ đô sửa đổi; thực hiện và lập Báo cáo Đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô sửa đổi; Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của UBND TP. Hà Nội xây dựng Luật Thủ đô năm 2024, tham gia xây dựng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"…

Ngoài ra, TS. Dương Thị Thanh Mai còn là thành viên Hội đồng tư vấn tuyển chọn và Hội đồng đánh giá kết quả nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Thành phố trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong đó có những đề tài phục vụ trực tiếp việc xây dựng Luật Thủ đô như Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội; đề tài về phân quyền, phân cấp cho chính quyền các cấp tại thành phố Hà Nội, về đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế các cơ quan thuộc UBND thành phố Hà Nội; hoạt động Trợ giúp pháp lý ở thành phố Hà Nội.

Cá nhân TS. Dương Thị Thanh Mai luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà hước, tham gia tích cực các phong trào tại địa phương.

Với nhiều đóng góp quý báu, TS. Dương Thị Thanh Mai đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen và được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng thưởng danh hiệu Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu… 

Đặc biệt, ngày 8/10, TS. Dương Thị Thanh Mai đã vinh dự được bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thị đua khen thưởng Trung ương và ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024.

Tình yêu sâu sắc với Thủ đô Hà Nội của ‘Công dân Thủ đô ưu tú’- Ảnh 2.

TS. Dương Thị Thanh Mai đã vinh dự được bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước và ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024 - Ảnh: VGP

Nguyện đóng góp hết mình cho Thủ đô Hà Nội

Chia sẻ cảm xúc khi được nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024, TS. Dương Thị Thanh Mai cho biết, bố mẹ bà là người gốc Hà Nội nhưng cả hai đều đi kháng chiến ở Chiến khu Việt Bắc. Năm 1954 bà được sinh ra ở nơi này. Đến cuối năm 1954 gia đình bà về Thủ đô Hà Nội sinh sống và gắn bó cả cuộc đời ở Thủ đô. 

Chính vì vậy, đối với TS. Dương Thị Thanh Mai và gia đình bà thì Thủ đô Hà Nội chính là ruột thịt. Bà có tình yêu rất lớn với Thủ đô Hà Nội nên đã dành nhiều tâm huyết mỗi khi được làm việc, nghiên cứu về những đề tài liên quan đến Thủ đô Hà Nội, điển hình trong những năm gần đây bà đã tham gia rất nhiều các đề tài, nghiên cứu khoa học, hội đồng khoa học với Sở Khoa học và Công nghệ của Thành phố Hà Nội; tham gia quá trình tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thủ đô 2012, chuẩn bị đề xuất để xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi 2024.

TS. Dương Thị Thanh Mai cho biết, một trong những vấn đề bà quan tâm nhất đó là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, bình đẳng giới, phát huy truyền thống làng nghề, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc… Đặc biệt, tất cả những đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và những dự án điều tra cơ bản giải quyết vấn đề xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, đặt ra những vấn đề chung của đất nước thì phạm vi, đối tượng nghiên cứu đều luôn có Thủ đô Hà Nội. Chứ không phải riêng những đề án, đề tài của Hà Nội mới nghiên cứu về người dân sinh sống ở Hà Nội. 

Bởi Thủ đô Hà Nội có những đặc điểm, đặc thù, phát triển kinh tế xã hội liên quan trực tiếp đến việc xây dựng thể chế, tổ chức thi hành thể chế. Ví dụ, đề tài cấp nhà nước về thể chế xã hội, trong phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội. Đây là đề tài chung, nằm trong chương trình cấp nhà nước. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các thể chế xã hội, bao gồm cả pháp luật và các thể chế xã hội khác như đạo đức, tôn giáo, giáo dục gia đình, phong tục tập quán… thì đối tượng địa bàn là Hà Nội, các nghiên cứu sâu về những truyền thống văn hóa, hương ước làng nghề của Hà Nội được đặt ra làm tình huống nghiên cứu để có thể phát hiện, nhận diện ra những đặc điểm, những nét riêng của thể chế xã hội từ các làng xóm, làng nghề, giải quyết vấn đề môi trường của Thủ đô Hà Nội. 

Tất cả những nét riêng đó tác động trực tiếp đến đời sống, nhận thức, ý thức pháp luật, thực thi pháp luật của người dân Thủ đô. Từ đó, đưa ra những đề xuất liên quan đến việc xây dựng thể chế, cách thức để đưa pháp luật vào tổ chức đời sống, cộng đồng dân cư của Thủ đô Hà Nội.

Trong suốt hành trình cống hiến của mình, TS. Dương Thị Thanh Mai thấm thía rằng để xã hội phát triển thì pháp luật vô cùng cần thiết, để xã hội được quản lý trong vòng trật tự, phát triển theo định hướng của nhà nước, xã hội. Tuy nhiên, nền tảng cao hơn vẫn là văn hóa, đạo đức, con người trong cộng đồng, cùng với pháp luật mới tạo nên được hệ thống thể chế giúp cho xã hội phát triển bền vững, hài hòa.

Tình yêu sâu sắc với Thủ đô Hà Nội của ‘Công dân Thủ đô ưu tú’- Ảnh 3.

Nhóm chuyên gia Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi 2024 - Ảnh: VGP

Đối với riêng Luật Thủ đô sửa đổi 2024, TS. Dương Thị Thanh Mai là trưởng nhóm chuyên gia tham gia góp ý cho Luật Thủ đô sửa đổi. TS. Dương Thị Thanh Mai cho biết, ở Việt Nam hiện nay, duy nhất TP. Hà Nội có Luật Thủ đô nhằm phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. 

Luật Thủ đô Hà Nội đưa ra để giải quyết những vấn đề đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, Luật Thủ đô sửa đổi lần này có những cơ chế mang tính chất vượt trội, đột phá để Thủ đô có thể thực hiện được vai trò dẫn dắt của khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng đồng bằng Bắc Bộ và của cả nước. 

Với những cơ chế chính sắc đặc thù đó, TS. Dương Thị Thanh Mai kỳ vọng Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ được giải quyết các vấn đề về dân sinh, an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, giải quyết vấn đề nhà ở, giao thông công cộng, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch, xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng giao thông thông minh, phát triển hạ tầng cơ sở theo hướng bền vững… nhằm tạo ra diện mạo mới cho Thủ đô với các đô thị văn minh, hiện đại.

Ngoài ra, Luật Thủ đô sửa đổi lần này còn có những cơ chế rất đặc thù về giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, cấp cứu ngoại viện, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe y học gia đình để mỗi người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được tiếp cận, chăm sóc sức khỏe y tế một cách tốt nhất.

Về phát triển khoa học kỹ thuật, phát triển khu công nghệ, TS. Dương Thị Tanh Mai cho biết, trong Luật Thủ đô sửa đổi lần này, Hà Nội được Chính phủ phân cấp, phân quyền tong công tác quản lý công nghệ cao. Trong đó, khu công nghệ cao Hòa Lạc được coi là trung tâm công nghệ của quốc gia. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Hà Nội áp dụng mô hình về chuyển giao công nghệ mới, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ của Thủ đô, như cơ chế cho thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới…

Với nhiều cơ chế, chính sách mới nổi trội trong Luật Thủ đô sửa đổi 2024, TS. Dương Thị Thanh Mai kỳ vọng khi Luật được đưa vào cuộc sống sẽ tạo lên nền tảng pháp lý cho sự phát triển của Thủ đô vươn lên tầm cao mới, xứng đáng là xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Bước sang tuổi 70, mặc dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng tình yêu sâu sắc với Thủ đô Hà Nội luôn thôi thúc TS. Dương Thị Thanh Mai phải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, đóng góp, cống hiến cho Thủ đô Hà Nội. Vì vậy bất kể công việc gì liên quan đến Thủ đô Hà Nội, để đóng góp, phát triển Thủ đô Hà Nội bà đều hăng say làm việc, trách nhiệm hết mình. Đó chính là cách để bà thể hiện tình cảm sâu sắc của mình đối với Thủ đô Hà Nội.

Thùy Chi

Top