Tổ công tác cơ sở: Đưa người dân tiếp cận tiện ích của dịch vụ công

15/07/2022 8:06 AM

(Chinhphu.vn) - Các Tổ công tác, đội cơ động tại cơ sở trên địa bàn Hà Nội đang đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận thức được tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm được thời gian và công sức cho người dân khi không phải làm TTHC trực tiếp.

Tổ công tác cơ sở: Đưa người dân tiếp cận tiện ích của dịch vụ công - Ảnh 1.

Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Ảnh: VGP

Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà"

Là phường làm điểm của quận Ba Đình trong triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhìn đến năm 2030" của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội, phường Trúc Bạch đang là mô hình điểm của Thành phố với mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" trên địa bàn phường.

Chia sẻ về quá trình xây dựng và triển khai mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" trên địa bàn phường, ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch phường cho biết, trọng tâm của UBND quận Ba Đình về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính là triển khai thực hiện tốt Đề án số 06 của Chính phủ và thúc đẩy nhân dân thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến.

"Qua quá trình tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa phường, chúng tôi nhận thấy đa số người dân vẫn có tâm lý, thói quen thực hiện các thủ tục hành chính bằng hình thức nộp hồ sơ trực tiếp một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế khi tiếp cận với công nghệ thông tin và sử dụng máy tính", Chủ tịch phường Trúc Bạch cho hay.

Vì vậy, với mục tiêu thay đổi thói quen của nhân dân khi tiếp cận với các dịch vụ công và triển khai Đề án số 06 của Chính phủ vào thực tiễn cuộc sống, UBND phường đã xây dựng, triển khai mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà".

Trong thời gian thực hiện thí điểm, phường thành lập 2 đội cơ động, thành phần gồm cán bộ, công chức của UBND phường, các tình nguyện viên và tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố.

Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến", các thành viên Đội cơ động được trang bị máy tính xách tay, được tập huấn kỹ năng giao tiếp và được trang bị các kiến thức về dịch vụ công trực tuyến, đã đến từng nhà các hộ dân trên địa bàn phường để truyền tải cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tuyên truyền vận động nhân dân mở tài khoản định danh điện tử và tích hợp các thông tin vào căn cước công dân, các lợi ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chip và cách phòng tránh những hình thức lừa đảo trên mạng xã hội, lừa đảo bằng công nghệ thông tin v.v..

Trong quá trình Đội cơ động thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc các cán bộ, công chức phường hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phường Trúc Bạch thực hiện đồng thời việc đào tạo các bạn tình nguyện viên, là các bạn thanh niên trên địa bàn phường để sau này đây chính là lực lượng để nhân rộng mô hình.

Theo Chủ tịch phường Trúc Bạch, qua thời gian thực hiện thí điểm, UBND phường nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân khi được Đội cơ động đến nhà hướng dẫn.

"Tất cả công dân sau khi được cán bộ trực tiếp hướng dẫn đều đã biết cách nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, đều nhận thức được ý nghĩa của việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, nhất là mục tiêu chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ", ông Nguyễn Dân Huy cho biết.

Tỷ lệ công dân đã mở tài khoản định danh điện tử và tích hợp các thông tin vào căn cước công dân của phường hiện đạt 62,2%. Tỷ lệ hồ sơ đã thực hiện trên công dịch vụ công trực tuyến đạt 100% trên tổng số hồ sơ phường tiếp nhận, các hồ sơ đều được giải quyết đúng hạn và trước hạn.

Với những kết quả đạt được bước đầu UBND phường đã mạnh dạn nhân rộng mô hình, thành lập 8 Đội cơ động tại 8 tổ dân phố với nòng cốt là các tình nguyện viên chính là những công dân sinh sống trên địa bàn.

"Qua việc thực hiện mô hình tại phường đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc xây dựng một quốc gia số", Chủ tịch phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy chia sẻ.

Tổ công tác cơ sở: Đưa người dân tiếp cận tiện ích của dịch vụ công - Ảnh 2.

Người dân hài lòng từ mô hình ‘giải quyết thủ tục hành chính không chờ’ của quận Hoàn Kiếm - Ảnh: VGP

Lãnh đạo phải đóng vai "người dân" đi thực hiện dịch vụ công

Một trong những nguyên nhân được TP. Hà Nội xác định khi triển khai Đề án 06 là tâm lý của người dân đối với việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn e ngại và do thói quen của người dân muốn đến tận nơi, muốn được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp.

Vì vậy, đối với địa bàn quận Hoàn Kiếm, cũng là một trong những địa bàn thí điểm Đề án 06 cũng xác định công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu.

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng to lớn và quan trọng trong quá trình triển khai công tác đăng ký cư trú và cấp căn cước công dân trên cổng Dịch vụ công.

Sau 6 tháng triển khai Đề án 06, kết quả thực hiện 8 dịch vụ công của Bộ Công an thuộc thẩm quyền của quận và phường, quận đã tiếp nhận trên 35.000 hồ sơ, đã giải quyết gần 34.500 hồ sơ, còn lại là các hồ sơ không đủ điều kiện, thiếu giấy tờ. Quận Hoàn Kiếm cũng đã cấp định danh điện tử cho trên 50.000 trường hợp, cấp căn cước công dân gắn chíp cho trên 132.000 trường hợp…

Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch quận cho biết, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mặc dù được nâng lên, nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế, một phần là do công tác tuyên truyền nội dung này chưa mạnh mẽ, nên nhiều người dân chưa nắm được những tiện ích, quyền lợi được hưởng. Việc thanh toán trực tuyến khi thực hiện dịch vụ công còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trường hợp trả lại kinh phí cho người dân khi thủ tục không thực hiện được.

Quận xác định, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung liên quan các Kế hoạch trên, đưa nội dung này trở thành công tác trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị.

Đồng tình với cách làm của quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên xuống cơ sở, "đóng vai" người dân để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân

Tại quận Cầu Giấy, Phó Chủ tịch quận Trần Đình Cường cho biết, Công an quận Cầu Giấy đã khai trương hệ thống Cổng thông tin dịch vụ công tại 3 tổ dân phố, giao nhiệm vụ cho cảnh sát khu vực cùng ban chỉ đạo tại tổ dân phố tiến hành tuyên truyền đến người dân trên địa bàn phường đến các điểm khai báo dịch vụ công để lập tài khoản và đăng ký những thủ tục hành chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cả 3 tổ dân phố đều có cảnh sát khu vực trực từ 8h đến 21h hàng ngày để hướng dẫn người dân truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia khi đăng ký thủ tục hành chính.

Kinh nghiệm triển khai Đề án 06 tại quận Cầu Giấy trong là tuyên truyền đến từng hộ dân về tiện ích của Đề án 06 mang lại để từ đó hướng dẫn người dân đến điểm khai báo dịch vụ công trực tuyến và tiến thực hiện các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài hình thức tuyên tuyến trực tiếp, Tổ công tác Đề án 06 tại tổ dân phố còn tiến hành tuyên tuyển bằng loa phát thanh của tổ dân phố, dán thông báo tại bảng tin tại các tổ dân phố; tuyên truyền về đề án 06 qua nhưng cuộc họp tổ dân phố và các cuộc họp chi bộ tại khu dân cư để nhân dân và cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn lợi ích Đề án 06 mang lại.

Tổ công tác Đề án 06 tại tổ dân phố hằng ngày phân công lịch trực, cử thành viên của tổ công tác trực tại các điểm dịch vụ công để tiến hành hướng dẫn người dân các bước thực hiện thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công. Quá trình hướng dẫn, thành viên tổ công tác tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của người dân đến khai báo thủ tục hành chính.

Theo Phó Chủ tịch quận cầu Giấy, qua thời gian tiến hành triển khai bước đầu người dân trên địa bàn đón nhận một cách rất tích cực và hiệu quả. Người dân trên địa bàn đã đến các điểm khai báo dịch vụ công trực tuyến để tiến hành khai báo theo hướng dẫn của Tổ công tác Đề án 06.

Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhìn đến năm 2030" (Đề án số 06) được ban hành ngày 6/1/2022. Tại Đề án này đã giao rõ từng nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, theo đó các địa phương phải chủ trì triển khai 13 nhóm nhiệm vụ chung, 25 dịch vụ công thiết yếu và 40 nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan Trung ương.

Gia Huy

Top