Trải nghiệm “Hầm T1 trong đêm bão lửa”

17/12/2022 11:31 AM

(Chinhphu.vn) - Hầm chỉ huy Cục tác chiến T1 đặc biệt trong khu Thành cổ được biết đến như một chứng nhân lịch sử, ghi dấu những thời khắc quyết liệt, khẩn trương, đầy cam go và tập trung cao độ của Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ huy quân dân Thủ đô và Miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội.

Trải nghiệm “Hầm T1 trong đêm bão lửa” - Ảnh 1.

Lối vào Hầm chỉ huy Cục tác chiến T1 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sở Chỉ huy Cục Tác chiến dưới căn hầm bí mật

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" (12/1972-12/2022), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội đã tiến hành chỉnh lý nội dung trưng bày diễn giải tại Hầm chỉ huy Cục tác chiến T1 (Hầm T1) giúp công chúng có thể cảm nhận sâu sắc những thời khắc đặc biệt và chiến công của quân dân ta trong 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Để thuận lợi cho công tác, Chính phủ quyết định chọn khu vực Thành cổ Hà Nội là nơi làm việc của Bộ Quốc phòng. Từ đó, khu vực Thành cổ Hà Nội trở thành Khu A, là nơi làm việc của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Quân ủy (Quân ủy Trung ương), Bộ Tổng Tham mưu, trở thành Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Riêng ngôi nhà hai tầng do quân Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX trước thềm rồng trong Khu A được chọn là nơi làm việc của Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, sau này thường gọi là Nhà làm việc Cục Tác chiến.

Năm 1964, đế quốc Mỹ dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", tạo cớ mở rộng chiến tranh, sử dụng không quân, hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam. Để bảo vệ cơ quan chỉ huy đầu não Bộ Tổng Tham mưu, bảo đảm an toàn các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy đến các chiến trường, từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, một căn hầm kiên cố bí mật đã được xây dựng ở phía tây Nhà làm việc Cục Tác chiến.

Trải nghiệm “Hầm T1 trong đêm bão lửa” - Ảnh 2.

Hình ảnh tư liệu trong Hầm T1 về bản đồ bố trí lực lực bắn máy bay (ảnh trái), Binh chủng Phòng không-Không quân thuộc Quân chủng phòng không báo cáo Bộ Tổng tham mưu kế hoạch chiến đấu bảo vệ vùng trời Hà Nội (ảnh phải) - Ảnh: VGP/Gia Huy

Căn hầm bí mật này được sử dụng làm Sở chỉ huy cơ bản của Cục Tác chiến (đồng thời cũng là Sở chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu), nên còn được gọi Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu. Hầm được tăng cường hệ thống tiêu đồ, hệ thống thông tin liên lạc, còi báo động thông báo về máy bay địch, đặc biệt có đường dây thông tin trực tuyến với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ các chức vụ cao r nhất của Đảng và Nhà nước.

Suốt những năm tháng Mỹ sử dụng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc nước ta, Hầm Chỉ huy tác chiến là nơi đặc biệt cơ mật. Sở Chỉ huy Cục Tác chiến dưới căn hầm bí mật đã nghiên cứu và triển khai các kế hoạch tác chiến, là đầu mối liên lạc truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đến các chiến trường trong nước (và cả chiến trường Lào, Campuchia); đồng thời tiếp nhận những bức điện từ các chiến trường gửi ra, phân tích, rồi chuyển báo cáo với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Tại Sở chỉ huy này, các cán bộ, chiến sĩ luôn tập trung toàn bộ sức lực, trí tuệ thưởng trực làm việc ngày đêm.

Trong nhiều tình huống khẩn cấp, cán bộ tác chiến trực tại Sở chỉ huy được phép báo cáo vượt cấp, báo cáo trực tiếp với Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thậm chí với đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, sau đó mới báo cáo lại với Thủ trưởng Cục Tác chiến, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu trực ngày đó.

Đặc biệt, trong chiến dịch phòng không Hà Nội cuối năm 1972, tại Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, không khí làm việc rất căng thẳng, khẩn trương. Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Bộ Quốc phòng thường xuyên có mặt để trực tiếp theo dõi tình hình, ra lệnh báo động toàn thành phố và chỉ đạo các lực lượng phỏng không tác chiến đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972" vang dội, góp phần quyết định buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), mở ra bước ngoặt cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.

Sau khi giải phóng miền Nam, do tình hình thực tế lúc đó, Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu ít được sử dụng hơn, tuy nhiên vẫn là Sở chỉ huy dự bị khi có tình huống. Năm 2004, Bộ Quốc phòng bản giao những công trình thuộc Khu A, trong đó có Nhà làm việc Cục Tác chiến và Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu cho Thành phố Hà Nội quản lý, sau giao Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội) bảo quản, sử dụng.

Sau một thời gian phục hồi, sáng ngày 20/12/2012, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã làm lễ khánh thành và mở cửa tham quan Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu nhân dịp kỉ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972 - 2012).

Trải nghiệm “Hầm T1 trong đêm bão lửa” - Ảnh 4.

Hình ảnh trưng bày đồ quân tư trang trong căn Hầm T1 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Trân trọng và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972 - 2012), đồng thời ghi dấu 10 năm mở cửa tham quan di tích Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (2012 - 2022), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện sưu tầm, biên soạn công trình "Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về di tích đặc biệt quan trọng này.

Qua đó càng thêm tự hào về chiến công vang dội mà các thế hệ cha anh đã lập được, trân trọng và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội đã tiến hành chỉnh lý nội dung trưng bày diễn giải tại Hầm T1; ứng dụng công nghệ 3D mapping để diễn giải câu chuyện chuyện lịch sử.

Trải nghiệm “Hầm T1 trong đêm bão lửa” - Ảnh 5.

Phòng thông hơi lọc độc, lọc sạch, thông gió tự nhiên trong Hầm T1 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đến trải nghiệm không gian diễn giải lịch sử "Hầm T1 trong đêm bão lửa", khách tham quan sẽ được giới thiệu về Hầm chỉ huy Cục tác chiến T1 được xây dựng vào cuối năm 1964 đầu năm 1965, ngay từ những ngày đầu Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam (lần thứ nhất). Vị trí nằm ở phía Tây liền kề ngôi nhà Cục Tác chiến. 

Hầm có kết cấu như một công sự nửa nổi nửa chìm, ¾ chìm dưới lòng đất, chỉ có nóc hầm nhô lên bên trên bằng bê tông nguyên khối với ba lớp: 2 lớp bê tông và một lớp đệm cát ở giữa. Qua lớp cửa nặng bên ngoài phòng chống sóng áp lực nguyên tử là lớp cửa nhẹ bên trong rất kín có thể chống tia phóng xạ, hơi độc. Hầm cũng có hệ thống thông hơi lọc độc và hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng quạt, thổi hơi nước lạnh từ bên ngoài vào. Với kết cấu vững chắc và trang thiết bị hiện đại lúc bấy giờ, hầm có thể chịu được bom tấn, tên lửa, phòng chống được bom nguyên tử, bom hóa học.

Tại hầm chỉ huy tác chiến T1, kíp trực ban tác chiến làm việc liên tục 24/24 giờ, có nhiệm vụ nắm chắc tình hình quân địch và cả lực lượng của ta, diễn biến chiến đấu để đề xuất cách giải quyết các tình huống lên cấp trên. Đồng thời, kíp trực cũng truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên đến các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn… đảm bảo hoàn thành cả ba nhiệm vụ: Đánh máy bay địch nhất là B52, công tác phòng không nhân dân, công tác giao thông vận tải chi viện chiến trường. Suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, nhiều thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ huy quân dân miền Bắc tiến hành trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội giành thắng lợi to lớn.   

Căn hầm đặc biệt trong khu Thành cổ được biết đến như một chứng nhân lịch sử, ghi dấu những thời khắc quyết liệt, khẩn trương, đầy cam go và tập trung cao độ của Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ huy quân dân Thủ đô và Miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội.

Trong đêm 18/12/1972, tại Hầm chỉ huy T1 đã diễn ra cuộc đấu trí quyết liệt giữa cơ quan tham mưu chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam với không lực Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng có mặt cùng các sĩ quan tham mưu tác chiến chỉ đạo các lực lượng phòng không mở màn trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm để sau đó làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ trên không hào hùng, vang dội.

Đêm 18/12/1972, đêm mở màn chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" đã trở thành đêm chiến đấu kiên cường và ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân dân ta.

"Hà Nội ơi! Qua từng cơn bão lửa

Ta vẫn cất tiếng cười trong chiến thắng.

Tiếng hát át tiếng bom thù của những người Hà Nội thân thương…

…Súng thép vươn cao, trông tới các vì sao.

xác máy bay thù phơi trên đường phố…

Tiếng hát vang vang năm cửa ô

Hôm nay ta ca bài ca chiến thắng"

(Bài ca của một người Hà Nội- Huy Du )

Gia Huy

Top