Triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng dữ liệu dân cư

13/06/2022 11:36 AM

(Chinhphu.vn) - Đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã thông báo mã số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn thành phố, triển khai thu nhận 5.691.513 hồ sơ căn cước công dân có gắn chíp điện tử và làm sạch 3 cấp đối với 7,9 triệu dữ liệu dân cư của công dân trên địa bàn.

Triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng dữ liệu dân cư - Ảnh 1.

Công an TP Hà Nội hướng dẫn người dân thao tác thủ tục cấp hộ chiếu trên môi trường điện tử. Ảnh: VGP/Minh Anh

Hiệu quả bước đầu trong cải cách hành chính

Là đơn vị chỉ đạo điểm của Chính phủ trong thực hiện Đề án 06 "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", TP. Hà Nội đã quyết liệt triển khai theo yêu cầu, bảo đảm tiến độ đề ra.

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg trên địa bàn TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 06 Thành phố) đã được thành lập.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06, ngay sau Hội nghị triển khai đề án của Chính phủ ngày 18/01/2022 đến nay, UBND TP. Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án quyết liệt, những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án đã được UBND Thành phố triển khai cơ bản đúng tiến độ, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính…

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Thành phố - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 06 thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố hiện có 254 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Dự kiến, đến tháng 12/2022, thành phố thực hiện tích hợp tối thiểu 794/1.135 thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ tiêu đề ra.

Đến nay, Công an Thành phố đã thông báo mã số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn thành phố, triển khai thu nhận 5.691.513 hồ sơ căn cước công dân có gắn chíp điện tử và làm sạch 3 cấp đối với 7,9 triệu dữ liệu dân cư của công dân trên địa bàn; đồng thời, cập nhật thông tin 453.403 trường hợp hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và 11.332.865 thông tin tiêm chủng vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đặc biệt, trong tháng 5/2022, Công an TP. Hà Nội đã quyết tâm thực hiện một số dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, cụ thể là: Việc cấp hộ chiếu cho công dân, việc đăng ký xe gắn máy tại Công an cấp xã đủ điều kiện; việc đăng ký thi trực tuyến... qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tạo hiệu ứng lan tỏa để người dân ủng hộ.

Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội chia sẻ, với phương châm: Cố gắng hết sức để phục vụ bà con làm thủ tục đăng ký xe, không để bà con phải chờ đợi, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo cho thành công của việc triển khai Đề án 06 nói chung và phân cấp đăng ký xe nói riêng, Công an Thành phố đang nỗ lực để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Tạo thuận lợi để cài đặt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử Quốc gia

Cũng theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, để bảo đảm triển khai hiệu quả Đề án với nền tảng cốt lõi là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Công an Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị cập nhật, bổ sung đầy đủ, kịp thời thông tin công dân đảm bảo dữ liệu dân cư phải luôn "đúng, đủ, sạch, sống".

Triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng dữ liệu dân cư - Ảnh 2.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị trong Công an thành phố Hà Nội, bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân Thành phố, Công an Thành phố đã xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử" nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm công sức và thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí của người dân, phòng ngừa tiêu cực… Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân tích cực sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cài đặt và sử dụng ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia (VNEID), hạn chế tối đa việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại trụ sở cơ quan Công an.

Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, cho biết, huyện Phúc Thọ đã ban hành Kế hoạch số 480/KH-UBND về việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện đồng thời chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai nhiệm vụ cụ thể; trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các đơn vị; vấn đề tài chính, cơ sở vật chất phục vụ; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn.

Tại huyện Hoài Đức, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 huyện Hoài Đức cho hay, ngay sau khi Đề án 06 được ban hành, Công an huyện Hoài Đức đã chủ động, tích cực và nghiêm túc tham mưu cho UBND huyện triển khai các nội dung của Đề án. Đến nay, các xã, thị trấn đã chủ động rà soát trang thiết bị phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu dân cư trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã, đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng dịch vụ công, trong đó cần triển khai ngay việc trang cấp hệ thống máy tính, chuẩn bị cho công tác đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy đối với 12 đơn vị được Công an Thành phố phân cấp theo quy định.

Theo Sở Tư pháp TP. Hà Nội, đến nay đơn vị cũng đã ban hành kế hoạch, chủ động xây dựng dự thảo quy trình triển khai thực hiện Đề án 06, báo cáo Bộ Tư pháp. Đồng thời, xác định, phân công nhiệm vụ chủ trì tham mưu, phối hợp, thời hạn thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của các phòng, đơn vị. Sở đã xây dựng quy trình nội bộ giải quyết 192 TTHC lĩnh vực tư pháp cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã trình UBND Thành phố ban hành quy định về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tiếp và xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến qua Cổng DVC. 

Đồng thời, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã thực hiện việc đăng ký các sự kiện hộ tịch đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật và cập nhật kịp thời vào Cổng DVC, Một cửa điện tử Thành phố, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tích hợp, chia sẻ với Cổng DCV quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Kiểm tra, xử lý, bảo đảm dữ liệu hộ tịch và dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống".

Để hoàn thành kịp tiến độ Đề án 06 thời gian tới, mới đây, Bộ Công an đã đề nghị Thành phố Hà Nội cần chủ động phối hợp, tăng cường kết nối chia sẻ, cập nhật dữ liệu dân cư nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Thành phố cần bố trí ngân sách hợp lý; tiếp tục rà soát lại kho dữ liệu dân cư, các công nghệ, thiết bị, phần mềm để triển khai Đề án nhằm tránh lãng phí. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 06 Thành phố tiếp tục phân công, phân cấp để rõ trách nhiệm từng đơn vị, địa phương cũng như mỗi cá nhân khi triển khai phần việc của mình.

Với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo và sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, đơn vị thuộc TP. Hà Nội trong thực hiện Đề án 06, xứng đáng với vị trí, vai trò là Thủ đô, mong rằng TP. Hà Nội sẽ linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức để hướng tới việc hoàn thành và về đích sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Đề án 06.

Minh Anh

Top