Triển khai nhiều biện pháp hiệu quả phòng chống dịch bệnh

12/08/2022 6:33 PM

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ của dịch sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh khác bùng phát, lây lan trên diện rộng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh và tổ chức tập huấn cho các đơn vị nhà trường trước thềm năm học mới.

Triển khai nhiều biện pháp hiệu quả phòng chống dịch bệnh - Ảnh 1.

Phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tại huyện Thường Tín, tính đến ngày 9/8, toàn huyện ghi nhận 38 ca bệnh mắc sốt xuất huyết và 4 ổ dịch tại Xóm Bến, xã Nguyễn Trãi; thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi; thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà và thôn Văn Giáp, xã Văn Bình.

Để quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm y tế huyện đã phối hợp với các ban, ngành chức năng xử lý triệt để các ổ dịch cũ và ổ dịch mới phát hiện; triển khai mạnh mẽ hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống sốt xuất huyết như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh thoát nước, thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý các phế liệu, phế thải, các dụng cụ chứa nước; phun hóa chất diệt muỗi... Bên cạnh đó đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Cùng với đó là triển khai tổ chức các lớp tập huấn cho các thành viên Ban chỉ đạo, các cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch ở cơ sở liên quan đến việc xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Cử cán bộ xuống địa bàn hỗ trợ các xã trong công tác điều tra, giám sát, khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

Công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Thường Tín và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các xã, thị trấn. Cho đến thời điểm này, toàn huyện đã thành lập được 1.280 đội xung kích diệt bọ gậy tại 29 xã, thị trấn.

Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, vừa qua có ổ dịch sốt xuất huyết phức tạp tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống trên địa bàn ổ dịch cũng như các xã khác. Tính đến ngày 8/8, toàn huyện Phú Xuyên ghi nhận 43 ca bệnh mắc sốt xuất huyết và 1 ổ dịch ở 8 xã, thị trấn gồm: Quang Trung, Hồng Minh, Nam Triều, Bạch Hạ, Phúc Tiến, Châu Can, Nam Tiến và Thị trấn Phú Minh.

Trong đó, ổ dịch tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung có 35 ca mắc sốt xuất huyết. Ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên là 28/6, hiện ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát và vẫn đang được giám sát, xử lý.

Để xử lý dứt điểm ổ dịch, Trung tâm y tế huyện Phú Xuyên đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tập trung vệ sinh môi trường, khắc phục các ổ bọ gậy nguồn phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; phun hóa chất diệt muỗi, tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất diệt muỗi trên 92%. Đồng thời tăng cường công tác giám sát ca bệnh; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của chính quyền và người dân địa phương chung tay phòng chống sốt xuất huyết.

Huyện cũng tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường; chủ động phòng chống dịch tại các xã có nguy cơ cao. Duy trì hoạt động giám sát đánh giá các chỉ số nguy cơ và phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, kịp thời khoanh vùng xử lý, không để dịch bùng phát, lan rộng. Bên cạnh đó, thực hiện giám sát, hướng dẫn, tuyên truyền liên tục đến từng hộ gia đình, từng người dân thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết theo hướng dẫn của ngành y tế, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng...

Hay tại quận Cầu Giấy, vừa qua, Trung tâm Y tế quận cũng đã phối hợp với phòng Giáo dục tổ chức lớp tập huấn tăng cường kỹ năng truyền thông phòng chống dịch bệnh cho đại điện Ban giám hiệu và cán bộ phụ trách y tế của 95 trường học trên địa bàn quận.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Hải Yến, hiện có nhiều dịch bệnh tồn tại trong nước và trên địa bàn Hà Nội hiện nay như dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ… Vì vậy, các biện pháp bảo đảm trường học an toàn phòng, chống dịch bệnh cần thiết đối với từng thành viên liên quan ở từng thời điểm, như: Trước khi học sinh đến trường; trong thời gian học tập tại trường; sau khi học sinh rời trường.

Bên cạnh đó, là hướng dẫn cách nhận biết những triệu chứng lâm sàng của bệnh; các đường lây truyền; cách chủ động phòng, chống dịch; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; cùng với đó nhà trường phải tổ chức tốt khâu tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh đến phụ huynh và học sinh.

Qua đó nhằm giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường trên địa bàn quận thêm nhiều kiến thức trong phòng dịch trước khi các trường đón học sinh quay trở lại vào năm học.

Thiện Tâm

Top