Tưng bừng khai hội nhiều lễ hội lớn trên địa bàn Thủ đô

21/02/2018 5:40 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), trên địa bàn Hà Nội nhiều lễ hội lớn đã được khai hội như: Hội chùa Hương, hội Gióng đền Sóc Sơn, hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội Cổ Loa… Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, các lễ hội lớn đã khai hội trang nghiêm, vui tươi và an toàn.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội trồng cây tại huyện Mê Linh. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Tô Văn Động cho biết, công tác quản lý lễ hội được Thành phố chỉ đạo rất sớm, các đơn vị liên ngành vào cuộc quyết liệt để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn… Riêng hôm nay (mùng 6 tháng Giêng), trên địa bàn Hà Nội đã khai hội 5 lễ hội lớn, đó là: Hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), hội đền Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) và hội Gióng đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) và hội chùa Trầm (huyện Quốc Oai).

“Đến thời điểm này, các lễ hội lớn đã khai hội diễn ra theo đúng kế hoạch, trang nghiêm, vui tươi và an toàn”, ông Tô Văn Động cho biết.

* Trong sáng nay, tại khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 1978 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Hai Bà Trưng. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tham dự buổi lễ.

Ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm được lấy là ngày khai hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội. Đây cũng là lễ hội có ý nghĩa quan trọng nhất trong hơn 100 lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức trên khắp cả nước bởi nơi đây không chỉ lưu lại dấu thiêng về hai vị nữ anh hùng thời thơ ấu lúc bình sinh, mà còn lưu giữ những dấu tích về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc hồi đầu Công Nguyên.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng hàng năm thu hút hàng triệu du khách đến chiêm bái, tham quan, học tập. Ngày 9/2/2018, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Hai Bà Trưng và chứng nhận Lễ hội đền Hai Bà Trưng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm phần biểu diễn màn trống hội và chương trình nghệ thuật chào mừng, nghi thức dâng hương, phần lễ theo nghi thức địa phương, rước kệu theo nghi thức truyền thống; phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi truyền thống, thi đấu thể thao để nhân dân vui hội… Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được tổ chức đến hết ngày 23/2/2018 (từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng).

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân mới, sáng cùng ngày, lãnh đạo Đảng, nhà nước và TP. Hà Nội đã  tham dự lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại huyện Mê Linh.

*Cũng trong sáng nay, đến thăm, thị sát tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, lễ khai hội Gióng năm 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng an toàn, gọn nhẹ, nhưng vẫn bảo đảm lưu giữ những nghi lễ quan trọng. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội lưu ý huyện Sóc Sơn cần tiếp tục bảo đảm tốt công tác an ninh trong suốt thời gian diễn ra lễ hội Gióng năm 2018; quản lý tốt an ninh trật tự của việc kinh doanh hàng quán, tránh để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách thăm quan, mua sắm tại lễ hội đầu năm.

Với lễ hội Gióng đền Sóc Sơn, “Cướp lộc” là một tục trong nghi thức tất lễ (tán lộc sau khi lễ xong), sau lễ tạ, hàng ngàn người sẽ xô vào cướp lộc sau tiếng hô “tất lộc” của chủ lễ, gây ra sự tranh cướp phản cảm, thậm chí nhiều năm xảy ra hiện tượng đánh nhau gây thương tích.

Ông Tô Văn Động cho biết, riêng tại lễ hội đền Sóc, với nỗi lo tái diễn tình trạng “cướp lộc” nên năm nay Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các nhà khoa học và các cơ quan liên quan thuyết phục nhân dân đồng tình thay đổi nghi thức tất lễ (tán lộc sau khi lễ).

Cướp lộc là một tục trong nghi thức tất lễ (tán lộc sau khi lễ xong), sau lễ tạ, hàng ngàn người sẽ xô vào cướp lộc sau tiếng hô “tất lộc” của chủ lễ. Năm nay giò hoa tre và giò trầu cau sau khi lễ Thánh ở đền Thượng đã đưa thẳng vào trong đền để tháo ra đưa vào hậu cung. Lộc sẽ được khóa lại bảo vệ cẩn thận tránh trường hợp người đi lễ tràn vào trong để lấy lộc. Khách có nhu cầu xin lộc sẽ liên hệ với Ban tổ chức để được phát lộc. Vì vậy, lễ hội năm nay diễn ra yên bình, không còn hiện tượng tranh giành cướp lộc phản cảm như trước.

Lễ hội chùa Hương khai hội ngày 6 tháng Giêng.

* Hôm nay cũng là ngày khai hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) và đón bằng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương).

Theo Trưởng ban quản lý di tích chùa Hương Nguyễn Chí Thanh, trong ngày khai hội, chùa Hương đón khoảng 4 vạn lượt khách đến tham quan, trảy hội, không xảy ra trường hợp ùn tắc cục bộ. Còn tính từ dịp Tết âm lịch đến nay, lượng khách lên tới 20 vạn lượt người, cao điểm là ngày mùng 5 Tết tới 7 vạn lượt khách. Cũng tại mùa lễ hội này có 4.500 đò được sơn lại đồng bộ màu xanh, gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác phục vụ khách.

Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, không để khách đặt tiền lễ, tiền công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.

Hòa An

Top