Từng bước cải thiện đời sống nhân dân Thủ đô

08/09/2022 10:16 AM

(Chinhphu.vn) - Quan tâm, chăm lo toàn diện cho cuộc sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng TP. Hà Nội.

Từng bước cải thiện đời sống nhân dân Thủ đô - Ảnh 1.

Chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu được đưa ra tại Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Nhiều chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống, đạt kết quả tích cực. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai hiệu quả, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia. Sự quan tâm của Thành phố trong công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc (HPI), tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.

Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII là một trong 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ khóa XVI. Chương trình nêu lên những mục tiêu cụ thể nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân cùng với 27 chỉ tiêu cụ thể. Đây được coi là thước đo trong thực hiện Chương trình, được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn từng địa phương và rà soát, đánh giá theo từng năm, từng kỳ hoạt động.

Đặc biệt, trong tháng 7 và tháng 8/2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08 đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại các quận, huyện: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh, Thạch Thất, Ứng Hòa…, nhằm rà soát, đánh giá cụ thể từng chỉ tiêu các đơn vị, địa phương đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Điển hình tại quận Bắc Từ Liêm, trong quá trình triển khai Chương trình số 08 có nhiều mô hình tiêu biểu được triển khai, nhân rộng như mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.

Các mô hình điểm về an toàn thực phẩm; mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học; mô hình cải thiện an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống tại 13 phường… cũng được tăng cường.

Trong năm 2021, quận đã có 3 trong số 23 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: Số lao động được tạo việc làm trong năm đạt 6.003 lao động; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,53%; tỷ lệ hỏa táng đạt 88,3%.

Thực hiện Chương trình số 08, đến thời điểm này, huyện Thạch Thất đã có một số chỉ tiêu đạt và vượt cao hơn kết quả chung của Thành phố, như: Tỷ lệ thất nghiệp (mục tiêu của Thành phố dưới 3%, mục tiêu của huyện đến 2025 duy trì 1,5%; đến tháng 5-2022 huyện đạt 1,5%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất (mục tiêu của thành phố đạt 90%; hiện huyện đang đạt 97%)...

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, trong số 27 chỉ tiêu cụ thể của Chương trình số 08, có nhiều chỉ tiêu được thực hiện rất tốt, như: Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% (hiện ở mức 2,12%); giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người/năm (số liệu cập nhật đến ngày 20/8 là 153.523 lao động, đạt 96% kế hoạch năm)…

Một số chỉ tiêu đã đạt 100% ngay ở kỳ đánh giá 6 tháng đầu năm 2022: 100% xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; duy trì tỷ lệ 100% người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn của thành phố; 100% trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị xâm hại, bạo lực khi phát hiện được can thiệp, trợ giúp kịp thời…

Ghi nhận sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị Thành phố trong triển khai Chương trình số 08, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đặc biệt lưu ý các cơ quan hữu quan phải thường xuyên rà soát, có cách thức làm khoa học, phù hợp, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và hiện đại hóa hệ thống quản lý...

"Làm tốt được việc này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; tạo việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập tối thiểu; đồng thời, mở rộng vững chắc diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân", Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời yêu cầu phải đặc biệt lưu tâm đến các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thực hiện hiệu quả các chính sách để người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, hướng tới phát triển bền vững...

Hiện nay, trong tổng số 30 văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình số 08, đã có 25 văn bản được ban hành, đạt 83,3% kế hoạch. Tuy nhiên, còn một số văn bản về cơ chế, chính sách quan trọng đang chậm ban hành. Bên cạnh đó, các địa phương, sở ngành cũng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thường xuyên rà soát, gắn việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ để Chương trình về đích đúng hạn, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô.

Diệu Anh

Top