Từng bước thực hiện mục tiêu ‘xanh hoá’ xe buýt của Thủ đô

12/01/2024 12:23 PM

(Chinhphu.vn) - Xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường là giải pháp để môi trường sống hướng tới giá trị phát triển bền vững trong tương lai. Hà Nội đang thực hiện từng bước, cụ thể hóa mục tiêu “xanh hóa” phương tiện giao thông công cộng, trong đó có xe buýt của Thủ đô.

Từng bước thực hiện mục tiêu ‘xanh hoá’ xe buýt của Thủ đô- Ảnh 1.

Khuyến khích người dân ủng hộ xe buýt năng lượng xanh. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Khuyến khích người dân ủng hộ xe buýt năng lượng xanh

Tại Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu từ năm 2025 có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, có 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tại Hà Nội, theo kế hoạch, đến năm 2030, tỷ lệ chuyển đổi xe buýt của Hà Nội sẽ đạt 50-60%. Dự kiến đến năm 2035, Hà Nội sẽ có tỷ lệ chuyển đổi đạt 90-100%… Tuy nhiên hiện nay, Hà Nội có khoảng trên 2.030 xe buýt được trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (chiếm khoảng 13,6%), bao gồm 139 xe khí nén thiên nhiên (CNG) và 138 xe buýt điện.

Ngày 21/12/2021, tuyến xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội chính thức lăn bánh. Đến nay, TP. Hà Nội đã cho phép đưa vào khai thác 10 tuyến buýt điện từ E01 đến E10. Xe buýt điện áp dụng giá vé chung của các tuyến xe buýt Hà Nội, giá vé lượt dao động 7.000 - 9.000 đồng, vé tháng 55.000 - 200.000 đồng; miễn phí người cao tuổi, người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo…

Ngoài ra, người dân sẽ trải nghiệm hình thức thẻ, vé điện tử trên các tuyến xe buýt điện. Hành khách có thể đăng ký thẻ, mua vé tháng trực tuyến, thanh toán bằng thẻ…

Thời gian qua, 10 tuyến xe buýt điện đang hoạt động đã được người dân đánh giá cao về cả chất lượng phục vụ cũng như chất lượng phương tiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khuyến khích người dân ủng hộ xe buýt năng lượng xanh thì cũng cần quan tâm đến các yếu tố như: Hạ tầng dịch vụ, chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ…

Nếu xe buýt cải thiện được tính chính xác về thời gian thì sẽ thu hút được nhiều thành phần hành khách hơn nữa. Để làm được điều đó, Nhà nước phải tạo điều kiện cho xe buýt vận hành trong giao thông hỗn hợp, bảo đảm lưu thông thông suốt…

Tiến hành "xanh hóa" xe buýt vào năm 2035

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội cho phép thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong thời hạn một năm đối với 9 tuyến xe buýt hết hạn thầu năm 2024.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong quý I/2024, Thành phố có 9 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu vào ngày 31/3 gồm: tuyến số 5 lộ trình khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn; tuyến 15 bến xe Gia Lâm - phố Nỉ; tuyến 17 Long Biên - Nội Bài; tuyến 36 Yên Phụ - Khu đô thị Linh Đàm; tuyến 39 Công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp; tuyến 43 Công viên Thống Nhất - thị trấn Đông Anh; tuyến 54 Long Biên - Bắc Ninh, tuyến 47A Đại học Kinh tế quốc dân - Kiêu Kỵ (Gia Lâm); tuyến 59 thị trấn Đông Anh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sau khi 9 tuyến trên hết hạn thầu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện thay thế. Dự kiến, sau khi hoàn thiện xong thủ tục đặt hàng, đơn vị sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện loại trung bình và nhỏ, để làm cơ sở đấu thầu các tuyến buýt khi hết thời gian thí điểm.

Việc đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện tại Thủ đô Hà Nội hướng tới đồng thời 2 mục tiêu, đó là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại và góp phần bảo vệ môi trường ở Hà Nội. Sự hiện diện của xe buýt điện đã góp phần vào sự phát triển thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh. Nếu có thêm 9 tuyến xe buýt điện mới, Hà Nội sẽ dần hướng tới "xanh hóa" giao thông công cộng khi đưa vào vận hành đường sắt đô thị chạy điện và xe đạp điện công cộng.

Về lộ trình chuyển đổi xe buýt từ sử dụng năng lượng dầu sang năng lượng xanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng đinh, yêu cầu của Chính phủ là năm 2050 Thành phố sẽ chuyển toàn bộ phương tiện vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt sang năng lượng xanh (chạy điện hoặc khí nén CNG).

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đã có chủ trương triển khai công việc này và tiến hành "xanh hóa" xe buýt vào năm 2035, sớm hơn yêu cầu của Chính phủ 15 năm. Đây được xem là chủ trương đúng đắn và phù hợp xu thế của Thành phố Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nhằm cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng dầu diesel sang năng lượng xanh giai đoạn từ nay đến năm 2035, Thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Hiện tại, các đơn vị đều bày tỏ sự ủng hộ việc chuyển đổi này cũng như thí điểm triển khai thẻ vé điện tử.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh, xe buýt điện tốt về phương tiện nhưng còn phải có chất lượng phục vụ như 10 tuyến đầu tiên đã triển khai. Nếu chất lượng dịch vụ thấp thì xe điện có tốt về phương tiện cũng khó thu hút hành khách. Do đó, cần đặt hàng những đơn vị, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về cả phương tiện cũng như chất lượng dịch vụ.

Diệu Anh

Top