Từng bước xoá chợ ‘cóc’, chợ tạm

09/08/2022 4:28 PM

(Chinhphu.vn) - Từ trước đến nay, câu chuyện xử lý chợ tạm, chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh luôn là vấn đề làm đau đầu các lực lượng chức năng. Bởi vậy, thời gian tới, các quận, huyện cần quan tâm quy hoạch xây dựng chợ dân sinh, từ đó có phương án quyết liệt cấm chợ cóc, chợ tạm hoạt động.

Từng bước xoá chợ ‘cóc’, chợ tạm - Ảnh 1.

Quy hoạch xây dựng chợ dân sỉnh để xóa dần chợ 'cóc', chợ tạm. Ảnh: VGP/TL

Vẫn còn 31 chợ "cóc" lấn chiếm lòng đường, vỉa hè

Những năm qua, việc người dân tập trung buôn bán, từ hoa quả, rau củ, thịt, cá, quần áo… tại các vỉa hè, lòng đường… đã khiến giao thông gặp khó khăn, nhất là giờ cao điểm. Không chỉ gây mất an toàn giao thông, các chợ tạm, chợ "cóc" ven đường còn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi mỗi ngày lượng xe cộ đi qua mang theo lượng khói bụi lớn, bám vào thực phẩm bày bán trên vỉa hè.

Bên cạnh đó, người dân buôn bán ở các khu này thường có "thói quen" xả luôn rác thải, thịt sống… ra ven đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và môi trường sống của người dân xung quanh.

Qua kiểm tra, giám sát của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, có những quận lớn như Hoàng Mai vẫn còn nhiều khu vực không có chợ dân sinh (như ở các phường Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai…), hoặc có chợ nhưng chưa cập nhật, bổ sung vào quy hoạch để quản lý nên chợ chưa được phân hạng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, thanh kiểm tra thường xuyên nhưng còn gặp vướng mắc, đó là việc xóa được chợ "cóc" này thì chợ "cóc" khác lại mọc ra.

Nhiều điểm đã giải tỏa, nhưng sau một thời gian tiếp tục tái họp, hoặc giải tỏa ở địa bàn này lại hình thành ở địa bàn khác. Trên thực tế, chợ "cóc" vẫn tồn tại được là vì ngoài thói quen của người tiêu dùng, còn do quy hoạch mạng lưới chợ và công tác quản lý có nhiều bất cập.

Nhằm giải tỏa chợ "cóc", Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, thống kê, kiểm tra, xử lý và tổ chức giải tỏa các tụ điểm, chợ "cóc" và hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông…

Qua tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn Thành phố còn 31 chợ "cóc" lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng đến giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Đầu tư xây dựng chợ dân sinh

Để giải tỏa triệt để tình trạng chợ "cóc", chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị, UBND các địa phương khẩn trương rà soát quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm phù hợp để đầu tư xây dựng chợ mới, bảo đảm khi di dời chợ tạm và xóa bỏ chợ "cóc", sẽ có chợ dân sinh hoạt động đúng quy định.

Tuy nhiên, để giải tỏa triệt để những điểm chợ này, rất cần sự vào cuộc của mỗi người dân bằng việc thay đổi thói quen mua, bán, chung tay xây dựng Hà Nội phát triển thương mại văn minh, hiện đại.

Mới đây, tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện quan tâm quy hoạch xây dựng chợ dân sinh, từ đó có phương án quyết liệt cấm chợ cóc, chợ tạm hoạt động.

Đồng thời, Thành phố sẽ thanh, kiểm tra nếu địa phương nào còn để tồn tại chợ cóc, chợ tạm. Trước mắt, các quận, huyện đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, quản lý hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại; quy hoạch đồng bộ các hệ thống chợ và có cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư.

"Đối với những chợ đã kêu gọi được xã hội hóa đầu tư cần nhanh chóng thực hiện. Những địa phương còn khó khăn vướng mắc về quy hoạch chợ, cần xây dựng kế hoạch, đầu tư bằng ngân sách để nâng cao hạ tầng thương mại, cơ sở cho các vùng này", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Diệu Anh

Top