Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng so với năm 2020

30/12/2021 8:08 AM

(Chinhphu.vn) – Theo Sở Lao động, Thương binh và xã hội Hà Nội, năm 2021, mặc dù thời gian giãn cách dài, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gặp khó khăn, tuy nhiên, tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo tăng so với năm trước.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có 380 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Hằng năm Sở Lao động TB&XH đã triển khai kiểm tra, rà soát các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp không hoạt động, không đảm bảo các điều kiện đào tạo để có giải pháp xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội, tính đến hết tháng 12/2021 tuyến sinh, đào tạo cho 220.500/220.500 lượt người, đạt 100% kế hoạch tuyển sinh năm 2021 (trong đó, trình độ cao đẳng 26.800 người; trung cấp 27.000 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 166.700 người.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong năm đạt 71,1% (trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50,2%). Kết quả này vẫn cao hơn 0,85 điểm phần trăm so với năm 2020 (tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70,25%).

Để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho người lao động theo quy định hiện hành trong giai đoạn tiếp theo, năm 2021, Thành phố đã xây dựng danh mục các nghề đào tạo, danh mục các nghề ưu tiên xây dựng chương trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng giai đoạn 2021-2025...

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong năm tới 2022, Sở sẽ rà soát, xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục dạy nghề thành phố Hà Nội; xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra; tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hội nhập quốc tế theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia gắn với công tác dự báo nhu cầu kỹ năng theo thị trường và phát triển bền vững…

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề. Đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Minh Anh

Top