Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

07/02/2023 4:50 PM

(Chinhphu.vn) - Việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ - chuyển đổi số trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng được vị thế trong sản xuất nông nghiệp của Thành phố. Trong đó có Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoco Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức sản xuất nấm ăn, nấm được liệu với quy mô diện tích là 0,33 ha; mô hình sản xuất giống và hoa Lan Hồ điệp của Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Quý, huyện Đan Phượng; mô hình thực hiện ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ sử dụng hệ thống máy nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất lúa tại xã Vĩnh Quỳnh, xã Đại Áng, xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì…

Nhìn chung, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn Thành phố tuy quy mô chưa lớn, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp điều kiện hiện nay của Thành phố.

Đặc biệt, việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ - chuyển đổi số trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đến nay đã đạt được kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của chương trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng đối với sự phát triển của ngành, tác động của chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoạt động của cơ quan quản lý, phương thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và cách sống, làm việc của toàn xã hội. 

Theo đó, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo tìm kiếm các nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho chuyển đổi số, cơ bản tập trung một số nhiệm vụ như phát triển hạ tầng viễn thông, nằm cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp…

Hiện tại, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin của Sở NN&PTNT cơ bản đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công thông tin của Sở đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định. Tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số trong thời gian tới thì hệ thống hạ tầng cần được đầu tư mở rộng và đồng bộ,

Trong quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản phẩm, có hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (www.check hanoi.gov.vn). Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho trên 3.120 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn với trên 11.000 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

Bên cạnh đó còn có hệ thống phần mềm GIS, với tính năng bản đồ số cập nhật địa chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo vị trí, với mỗi cơ sở sẽ được cập nhật các thông tin liên quan về các hoạt động tự công bố, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước đối với cơ sở. Hay việc triển khai thí điểm hệ thống giám sát, cảnh báo sớm cháy rừng thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội (thí điểm tại núi Hàm lợn, núi Sóc thuộc huyện Sóc Sơn),

Có thể thấy, các hệ thống này đều có cơ chế kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu đảm bảo theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước đã được Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Thủ đô cũng đã tổ chức thành công 4 chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng Intemet để giúp các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP kết nối tiêu thụ sản phẩm với người tiêu dùng bằng hình thức bán hàng online, livestream với hàng nghìn đơn hàng được triển khai.

Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Ảnh 2.

Một chương trình livestream bán hàng online các sản phẩm OCOP do Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội tổ chức. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo ông Tạ Văn Tường, nông nghiệp Thủ đô vẫn còn ít tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số trong điều hành sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn để nâng cao giá trị thương hiệu, khả năng quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch, cạnh tranh, kết nối nông sản Hà Nội và các vùng miền; tiến tới sản xuất các mặt hàng chủ lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu thủ đô, trong nước và xuất khẩu, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, sự gia tăng dân số kéo theo diện tích để sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển sản xuấ manh mún, thiếu bền vững, ô nhiễm. Mặt khác cũng do bị tác động mạnh của đô thị hóa nên lực lượng lao động nông nghiệp, nguồn lực đầu tư nội tại cũng ngày càng bị giảm mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật có khả năng và tiếp cận công nghệ cao để tiếp nhận, ứng dụng còn thiếu năng lực, trình độ còn hạn chế; tỷ lệ người lao động trực tiếp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn thấp. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất truyền thống, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều.

Theo đó, để triển khai có hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nên nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố. Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao để có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội trong sản xuất giống, canh tác và sơ chế sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng trong điều hành, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hỗ trợ, duy trì và phát triển các điểm mô hình ứng dụng nghệ cao trong nông nghiệp nhằm tạo tiền để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

Hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt: 10 doanh nghiệp, chăn nuôi: 32 doanh nghiệp, thủy sản: 02 doanh nghiệp); 1 Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số tiểu vùng sinh thái sản xuất nông nghiệp của Thành phố. Các cơ sở này được cấp có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan (VietGAP, hoặc nông nghiệp hin cơ, hoặc hệ thống quản lý chất lượng an toàn phẩm; môi trường ….).

Thiện Tâm

Top