Ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản

14/10/2022 4:59 PM

(Chinhphu.vn) - Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản đứng đầu cả nước về chất lượng. Trong đó bò sinh sản có tỷ lệ zebu hóa cao; bò thịt đã đưa vào sản xuất một số giống bò năng suất, chất lượng cao như BBB, Angus, Charolais, Wagyu,... Tuy nhiên, sản lượng thịt bò được sản xuất khoảng 10 nghìn tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thịt bò và ước tính nhu cầu thịt bò tăng trong thời gian tới.

Ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản - Ảnh 1.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội phát biểu tại chương trình. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ngày 14/10, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả phát triển chăn nuôi bò hướng thịt giai đoạn 2018- 2022 và phát triển giai đoạn 2022- 2025.

Phát biểu tại chương trình, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, chăn nuôi Hà Nội luôn trong tốp đầu cả nước về năng suất, chất lượng, có nhiều giống mới hàng đầu trên thế giới được ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả, là địa chỉ uy tín cung cấp giống trên cả nước. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, phát huy một số giống bản địa cho hiệu quả kinh tế cao như: Gà mía, gà ri lai mía,... Bên cạnh đó là thực hiện thay đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, chăn nuôi sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp Thủ đô.

Hà Nội cũng có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để đưa chăn nuôi phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác quy hoạch vùng, xã trọng điểm, trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, nâng cao chất lượng con giống xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản đứng đầu cả nước về chất lượng. Trong đó bò sinh sản có tỷ lệ zebu hóa cao; bò thịt đã đưa vào sản xuất một số giống bò năng suất, chất lượng cao như BBB, Angus, Charolais, Wagyu,... Tuy nhiên, sản lượng thịt bò được sản xuất khoảng 10 nghìn tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thịt bò và ước tính nhu cầu thịt bò tăng trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2022 Hà Nội có đàn bò với 130,3 nghìn con (trong đó, bò sinh sản gần 90 nghìn con; bò thịt, bê các loại trên 40 nghìn con). Chăn nuôi Hà Nội cũng đã hình thành các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn. Xây dựng bản đồ chăn nuôi phù hợp với từng vùng địa lý và chất lượng đàn bò cái nền. Đàn bò thịt, sinh sản tại 39 xã, vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm là hơn 50 nghìn con; có hơn 100 trại chăn nuôi bò thịt quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Theo ông Tạ Văn Tường, có thể thấy thời gian qua ngành chăn nuôi của Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT và Thành phố, các huyện cũng như các doanh nghiệp và bà con nông dân. Điển hình như chính sách về phát triển chăn nuôi của Trung ương, Thành phố trong đó cơ chế chính sách về phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản được quan tâm như: Hỗ trợ 100% chi phí liều tinh, vật tư, dụng cụ thụ tinh nhân tạo bò; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người chăn nuôi, đào tạo dẫn tinh viên; hỗ trợ phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ chi phí giết mổ.

Bên cạnh đó, Thành phố có Trung tâm Phát triển nông nghiệp mang tính đặc thù về phát triển chăn nuôi bò, có Trung tâm sản xuất tinh bò đông lạnh. Được Thành phố đầu tư các Dự án, Kế hoạch phát triển giống bò thịt năng suất, chất lượng cao, dự án riêng về phát triển bò thịt giống BBB. Đồng thời có sự phối hợp, hợp tác tốt với các tỉnh, đặc biệt là 10 tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong công tác phát triển chăn nuôi và thú y; hợp tác sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên diện tích đất sử dụng để trồng cỏ cho bò đang dần bị thu hẹp. Dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò còn hạn chế, dẫn tới thiếu hụt nguồn thức ăn cho bò vào mùa đông. Ngoài ra cũng chưa có các cơ chế chính sách đặc thù về đất đai, liên kết chuỗi, thức ăn nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội.

Ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản - Ảnh 2.

Chăn nuôi bò thịt tại huyện Ba Vì. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Vì vậy, trong giai đoạn 2022- 2025 và định hướng đến năm 2030, để phát triển chăn nuôi bò bền vững, hiệu quả, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, Hà Nội sẽ phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm, xa khu dân cư theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội và thực hiện nghiêm chỉnh quy định về vùng không được phép chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi bò chủ yếu tại các huyện vùng đồi gò và vùng bãi ven sông Đà, sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Cà Lồ… trong đó chăn nuôi bò thịt tập trung tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh...

Về quy mô đàn bò, trong đó đàn bò thịt, bò sinh sản có quy mô khoảng 150 - 195 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 13-15 nghìn tấn/năm. Tăng số lượng đàn bò sinh sản khoảng 3%/năm ở vùng trọng điểm, giảm quy mô chăn nuôi thương phẩm.

Về công tác giống đến năm 2030, đàn bò cái sinh sản được thụ tinh nhân tạo đạt hơn 90% (trong đó lai tạo giống bò cao sản 50%). Tiếp tục cải tạo đàn bò cái nền của Hà Nội bằng tinh bò Brahman, Senepol. Ứng dụng rộng rãi công tác lai tạo giống bò thịt bằng các nguồn tinh bò năng suất chất lượng cao như: BBB, Charolais, Wagyu...

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các tỉnh trong công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sản xuất, cung cấp giống và thịt bò chất lượng cao gắn với xây dựng các chuỗi liên két. Đồng thời xây dựng các mô hình điển hình và chuỗi giá trị thịt bò chất lượng cao (giống bò lai Wagyu).

Thiện Tâm

Top