Ưu tiên phát triển hạ tầng logistic vùng Thủ đô

16/10/2023 11:31 AM

(Chinhphu.vn) - Để phát triển nhanh bền vững, thúc đẩy mô hình tăng trưởng, TP. Hà Nội ưu tiên ngành sản xuất công nghệ cao, các ngành có giá trị gia tăng cao, trong đó có logistics. Đây được coi là mũi nhọn trong chiến lược phát triển ngành dịch vụ, thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa của Thủ đô.

Ưu tiên phát triển hạ tầng logistic vùng Thủ đô - Ảnh 1.

TP. Hà Nội ưu tiên ngành sản xuất công nghệ cao, các ngành có giá trị gia tăng cao, trong đó có logistics. Ảnh: Internet

Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, đưa vào khai thác vận hành một số công trình hạ tầng dịch vụ logistics quan trọng như: 2 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), 1 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm), 1 Trung tâm bưu chính, chuyển phát (tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) và một số dự án trung tâm tiếp vận trên địa bàn.

Để đạt muc tiêu, Hà Nội đang đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai Thành phố kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng tại các khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp, song song với phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng.

Hà Nội cũng đầu tư phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...). Đặc biệt là rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của Thành phố.

Theo các chuyên gia kinh tế, Vùng Thủ đô có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng vẫn đứng trước những thách thức và cần hướng đi mới. Do đó, để thúc đẩy phát triển logictics, Hà Nội cần đặt ra mục tiêu phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP của Thành phố.

Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4, hướng đến mức độ 5, logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp…

TS. Lê Thu Huyền,  Đại học Giao thông vận tải cho rằng, cơ sở hạ tầng logistics là vấn đề lớn nhất đối với vùng Thủ đô, kết nối vận tải đường dài phụ thuộc đường bộ, kết nối đa phương thức còn thấp. Trong bối cảnh nhu cầu vận tải và logistics hàng hóa tăng nhanh, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, cơ sở hạ tầng thiếu kết nối, thiếu công nghệ, cơ sở vật chất và thể chế pháp lý rời rạc trở thành "điểm nghẽn" cho dịch vụ logistics vùng.

Do đó, cần thiết phát triển mô hình trung tâm đầu mối và logistics phục vụ phân phối hàng hóa, trong đó phân tách rõ nhu cầu hàng hóa đường dài và phân vùng. Giải pháp này dựa trên mô hình logistics đô thị tích hợp công nghệ ứng dụng, quản trị thông tin qua cơ sở dữ liệu dùng chung, ví dụ sàn giao dịch vận tải, logistics.

Chia sẻ mục tiêu chuyển đổi ở lĩnh vực vận tải, ông Đỗ Công Thủy, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, đẩy mạnh chuyển đổi số tại doanh nghiệp vận tải. Đến năm 2030 hình thành sàn giao dịch vận tải hành khách, hàng hóa nhằm tăng cường kết nối, cung cấp dịch vụ vận tải thuận tiện, an toàn và tin cậy. "Giải pháp này giúp giảm tỷ lệ xe chạy rỗng, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm chi phí logistics", ông Thủy nói.

Quan tâm giải pháp nguồn nhân lực, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Nhân lực logistic Việt Nam dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê, tới năm 2030 nhu cầu nhân lực logistics lên tới 1 triệu, mỗi năm cần khoảng hơn 54.000 lao động. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam hồi tháng 7/2021, nhân lực logistics vẫn chưa có nguồn chất lượng cao.

Vùng Thủ đô có nhiều điểm mạnh như tập trung các trường đại học, cao đẳng, nhiều doanh nghiệp sản xuất thương mại lớn và doanh nghiệp logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng tới phát triển nhân lực, chưa quan tâm hợp tác với nhà trường để xây dựng kế hoạch phát triển nhu cầu nhân lực cho mỗi loại hình.

"Trong Chiến lược phát triển vùng Thủ đô cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trình độ chất lượng cao và hỗ trợ với các ngành nghề liên quan đến logistics", bà  Hương khuyến nghị.

Thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Theo đó, thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn và trong cả nước, với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.

Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại Thành phố nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc.

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác liên kết với các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo thuận lợi cho sự giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa của Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác.

Diệu Anh

Top