Vaccine giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững

16/05/2023 10:40 AM

(Chinhphu.vn) - Việc nghiên cứu thành công vaccine Dịch tả lợn Châu Phi của Việt Nam đã giúp người chăn nuôi phần nào vững tin khi đối phó với đại dịch này.

Vaccine giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững - Ảnh 1.

Ông Lê Viết Thể,thôn Địch Trung, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng chia sẻ kinh nghiệm giữ trang trại trong "bão" dịch tả lợn Châu Phi- Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cuối năm 2022, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) một lần nữa nổ ra khiến nhiều nông hộ rơi cảnh trống chuồng. Thiệt hại kinh tế là một chuyện, vấn đề chính là người nông dân nảy sinh tâm lý e dè tái đàn, bởi vaccine, vũ khí phòng bệnh chính mới chỉ được phân bổ sử dụng trong điều kiện có giám sát, tại một số khu vực cụ thể trên cả nước. Ngoài ra, thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh chưa có, trong khi đường lây truyền của bệnh rất phức tạp, khó kiểm soát.

Bốn không" giúp giữ vững chuồng trại

Tại thôn Địch Trung, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội, ai cũng biết hộ chăn nuôi nhà ông Lê Viết Thể. Ông nổi tiếng là người có hàng chục năm kinh nghiệm về chăn nuôi, cũng như có kiến thức và chuyên môn về công tác thú y, chủ trại lợn hơn 100 con thực hiện nghiêm ngặt an toàn sinh học trong chăn nuôi, đồng thời liên tục theo dõi và nâng cao sức đề kháng của đàn lợn.

Nhớ lại giai đoạn đầu dịch vào năm 2020, hầu hết các hộ nuôi lợn trong xã của ông Thể đều nhiễm bệnh và các chuồng bỏ hoang rất nhiều. Ông Thể đã rất cẩn thận khi chăn nuôi, hầu như ông không cho người lạ vào trang trại của mình, bản thân ông mỗi lần ra vào khu nuôi cũng phải sát khuẩn, đi ủng, mặc quần áo bảo hộ.

Sau những tìm tòi tự rút kinh nghiệm, ông Thể chủ trương "bốn không" cho trang trại của mình: Một là, không mua lợn nguồn gốc không rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y. Hai là, chủ động tối đa nguồn giống sạch bệnh từ lợn bố mẹ. Ba là, không thu gom thức ăn tại các nhà hàng, bếp ăn của khu công nghiệp, hoặc nếu lấy phải xử lý nhiệt cẩn thận. Bốn là, không sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm và cho lợn uống.

Tuy nhiên với việc dịch ngày càng gia tăng, ông Thể cũng như nhiều hộ chăn nuôi rất trông ngóng vaccine phòng bệnh được ra đời, có vậy người chăn nuôi mới bớt cảnh "trực chiến" trong dịch.

Chính vì vậy, khi biết thông tin Công ty CP AVAC Việt Nam bắt  đầu thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Thể đề xuất được tiêm thử nghiệm cho trang trại lợn hơn 100 con của mình.

Đến nay, ô Thể cho biết: "Sau 1 năm tiêm, trang trại nhà tôi vẫn an toàn trước dịch bệnh, trước chưa có vaccine. Thậm chí tôi đã vô tình ghép đàn lợn mang mầm bệnh vào đàn lợn đã được tiêm vaccine mà không con nào bị lây bệnh. Theo tôi, hiệu quả bảo hộ lên đến trên 90%".

Đáng chú ý, ông Thể đã tiêm vaccine dịch tả lợn Châu Phi cho tất cả các lứa tuổi của đàn lợn, từ lợn nái, lợn thương phẩm đến lợn con và cho biết, tiêm cho lợn con và lợn mẹ là an toàn nhất, sau khi tiêm khả năng sinh sản của lợn nái tốt, hầu như không bị ảnh hưởng; đàn lợn con vẫn nhanh lớn. Đến nay, ông Thể đã tiêm vaccine DTLCP được 2 lứa, lợn mẹ đã tiêm đến vòng thứ hai.

Vaccine giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững - Ảnh 2.

Ông Lê Viết Thể cho biết: "Sau 1 năm tiêm, trang trại nhà tôi vẫn an toàn trước dịch bệnh" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hoàn thiện để phổ cập vaccine DTLCP

Năm 2022, Bộ NN&PTNT chính thức công bố Việt Nam đã nghiên cứu thành công vaccine DTLCP. Thử nghiệm vaccine này tại nông hộ nhỏ lẻ là một trong những bước quan trọng để đánh giá hiệu quả thực tế của vaccine. Trong các chỉ đạo xuyên suốt từ năm 2022, Bộ NN&PTNT và Cục Thú y luôn nhấn mạnh rằng, cần phục vụ tối đa lợi ích của người chăn nuôi.

Vừa qua, Công ty Cổ phần AVAC đã cung ứng và khảo nghiệm hơn 700.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE tại 32 tỉnh, thành phố. Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cam kết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, nghiên cứu nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo hộ của vacxin , tối ưu hóa giá thành, đồng thời mở rộng đối tượng sử dụng cho cả lợn nái và lợn con theo mẹ".

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận: "Đây là một công trình khoa học được thực hiện bài bản, dựa trên phương pháp hiện đại, với các bộ chỉ tiêu được thông qua bởi Hội đồng khoa học của ngành và Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT. Trước khi cho phép lưu hành, Bộ NN&PTNT giữ quan điểm phải kiểm nghiệm, khảo nghiệm chặt chẽ và xin ý kiến các bên liên quan một cách nghiêm túc".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vaccxine giống như lá chắn phòng bệnh cho vật nuôi. Sản xuất thành công vaccine DTLCP chắc chắn sẽ tăng tốc độ chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng vào những năm tới, góp phần giúp toàn ngành nông nghiệp thực hiện Nghị quyết Trung ương XIII về tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Tại Việt Nam, xu hướng tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, con số này hiện vào khoảng 3,7 tỉ USD. Khi tham gia theo mô hình này, các trang trại sẽ hình thành chuỗi khép kín, từ con giống, thức ăn dinh dưỡng, môi trường nuôi, cho đến giết mổ, chế biến và phân phối thị trường. Cùng với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, các loại vaccine (trong đó có vaccxine DTLCP) sẽ cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng thịt, trứng, sữa của ngành chăn nuôi.

Đỗ Hương

Top