Vận hành 140 trạm bơm với 440 tổ máy hỗ trợ tiêu úng nhanh
(Chinhphu.vn) - Để hỗ trợ tiêu úng nhanh khu dân cư, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đang vận hành 140 trạm bơm với 440 tổ máy, tổng lưu lượng gần 1,223 triệu mét khối/giờ.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, từ nay đến ngày 28/9, Hà Nội mưa vài nơi về đêm, nắng về trưa và chiều. Từ ngày 29/9 đến 2/10, Hà Nội mưa rào và dông rải rác.
Về thủy văn, tốc độ thoát lũ trên sông Tích, Bùi có xu hướng nhanh hơn. Cụ thể, hồi 19h ngày 24/9, mực nước thực đo sông Bùi tại Trạm Thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) ở mức 7,37m, trên báo động lũ cấp III là 37cm; sông Tích tại Trạm Thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) ở mức 8,31m, trên báo động lũ cấp III là 31cm.
Dự báo đến 19h tối nay 25/9, mực nước sông Bùi ở mức 7m, giảm 37cm; sông Tích ở mức 8,05m, giảm 26cm. Với tốc độ lưu thoát như vậy, vùng trũng thấp, ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức còn ngập lụt trong 3-5 ngày, sông Tích khoảng 2-4 ngày.
Về tình hình ngập lụt, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, tính đến 19h ngày 24/9, khu vực ngoại thành Hà Nội còn 12.210 người sơ tán, tránh ngập lụt; trong đó, huyện Chương Mỹ còn 8.547 người, huyện Mỹ Đức 2.405 người, huyện Quốc Oai 933 người, huyện Thạch Thất 68 người, thị xã Sơn Tây 89 người...
Ngoài vệ sinh môi trường, chuẩn bị khôi phục sản xuất sau mưa lũ, các huyện tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do lũ lụt. Tại huyện Chương Mỹ vẫn duy trì 5 điểm sơ tán tập trung tại xã Nam Phương Tiến. Huyện đã cấp phát các nguồn lực hỗ trợ cho người dân hơn 2,306 tỉ đồng tiền mặt; 35,248 tấn gạo, 4.272 thùng mì tôm, 13.693 thùng nước uống, duy trì 250 bồn chứa nước sạch sinh hoạt, loại 1.000 lít/bồn, 1.546 áo phao, 6 thuyền…
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu khẳng định, đến thời điểm này, tại các xã còn bị ngập lụt không có hộ dân nào thiếu ăn, thiếu nước uống, thiếu chỗ ở và chưa phát sinh ổ dịch bệnh… Hiện tại, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn vẫn duy trì chế độ trực 24/24h; tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê để kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra. Các xã, thị trấn chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự và cứu trợ đối với các khu vực sơ tán, ngập lụt; cảnh báo nguy hiểm, hạn chế xe trọng tải lớn đi trên các tuyến đê xung yếu.
Đối với những khu vực nước rút, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ nhân dân quay trở về nhà ở bảo đảm an toàn; thu hoạch lúa, hoa màu và triển khai trồng cây vụ đông xuân 2024-2025; xác minh thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ theo quy định…
Đối với huyện Mỹ Đức, huyện đã tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ từ 195 tổ chức, cá nhân, cấp phát cho người dân các xã bị thiệt hại vì mưa lũ 32,5 tấn gạo, 6.613 thùng mì tôm, 14.278 thùng nước uống, 1.888 thùng sữa, 1.873kg rau củ quả, 1.203kg thịt lợn, 2.357 hộp bánh lương khô, bánh gạo, 2.079 chai nước mắm, 665 thùng bột canh, 2.029 chai dầu ăn, 2.036 gói mì chính, 1.876 áo phao, 2.865 đèn pin, 334,1 triệu đồng tiền mặt và các đồ dùng thiết yếu, như: Áo mưa, nến cốc, bật lửa, bếp gas mini, bếp cồn, thuốc khử trùng…
Lực lượng Công an xuyên đêm hỗ trợ người dân ngập lụt ven sông Bùi
Sau 2 ngày 21 và 22/9 có mưa to, đến ngày 23/9, nước sông Bùi lại dâng cao hơn khiến nhiều thôn xóm, nhà ở khu dân cư thuộc các xã cụm miền Bùi của huyện Chương Mỹ tiếp tục chịu ảnh hưởng ngập lụt. Trong ngày 25/9, Công an huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân quanh khu dân cư, thuộc các xã cụm miền Bùi của huyện này đang chịu ảnh hưởng ngập lụt.
Để khắc phục hậu quả, toàn huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 6.300 người thuộc lực lượng tại chỗ, đơn vị Quân đội, Công an; sử dụng hơn 93.400 vỏ bao tải, gần 5.200m2 bạt, hơn 10.000m3 đất đá, 188 phương tiện đắp chống tràn đê và các khu vực dân cư.
Đến thời điểm này, toàn bộ tuyến đê, bờ kênh quan trọng của huyện chưa xảy ra sự cố lớn. Những vị trí sạt lở đất, ngập sâu… đã được cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tổ chức canh gác không cho người dân đi lại qua khu vực.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo mục tiêu "An toàn người dân là trên hết", Công an huyện Chương Mỹ đã duy trì chế độ ứng trực 100% quân số; tổ chức các tổ tuần tra ban đêm tại các địa bàn với sự tham gia của Công an các xã và lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở.
Các tổ tuần tra bảo đảm an ninh trật tự khu vực nhà dân bị ngập, phòng chống tội phạm lợi dụng tình hình lũ lụt vi phạm pháp luật. Bảo đảm an ninh trật tự và công tác cứu trợ đối với các khu vực sơ tán và ngập lụt; Tổ chức cảnh báo nguy hiểm, hạn chế xe trọng tải lớn đi trên các tuyến đê xung yếu. Công an huyện cũng hết sức chú ý, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ. Tham mưu chính quyền địa phương lắp đặt cảnh báo khu vực nguy hiểm phòng ngừa đuối nước.
Đồng thời, Công an huyện Chương Mỹ tích cực chỉ đạo lực lượng Công an xã, thị trấn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân vệ sinh môi trường với phương châm, nước rút tới đâu vệ sinh ngay tới đó, hỗ trợ người dân quay trở về nhà đảm bảo an toàn.
Hỗ trợ người dân huyện Mỹ Đức khắc phục hậu quả lũ lụt
Chiều 24-9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổ đại biểu HĐND thành phố ứng cử tại huyện Mỹ Đức, Hội Nông dân thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Đức và các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình tặng quà, đồ dùng học tập cho học sinh, hạt giống rau, chế phẩm xử lý môi trường cho các xã bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Với chủ trương không để người dân vùng thiên tai bị thiếu ăn, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch để uống… thành phố Hà Nội đã và đang huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân vượt khó khăn, khắc phục nhanh hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai cho biết, cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn đã quyết liệt thực hiện phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Do vậy, thiệt hại giảm rất nhiều so với cường độ mưa, lũ gây ra. Do tốc độ thoát lũ sông rất chậm nên Mỹ Đức hiện còn một số khu dân cư thuộc các xã: Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn còn ngập lụt. Hiện các tổ chức thủy lợi đang vận hành 20 trạm bơm tiêu úng; vệ sinh môi trường; chuẩn bị sản xuất vụ đông…
Tại chương trình, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã trao tặng 70 triệu đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Đức để điều phối hỗ trợ nhân dân các xã bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Tổ đại biểu HĐND thành phố ứng cử tại huyện Mỹ Đức, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Mùa vàng trao tặng 60 triệu đồng cho Hội Nông dân huyện, Phòng Kinh tế để mua sắm giống cây trồng, chế phẩm sinh học xử lý môi trường sau bão lũ.
Câu lạc bộ TCP và Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt trao kinh phí hỗ trợ nhân dân các xã bị thiệt hại nặng là Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn 40 triệu đồng.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao tặng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức 100 triệu đồng, 5.000 cuốn vở để điều phối hỗ trợ các nhà trường, học sinh bị thiệt hại do bão lũ…
Thùy Chi