Văn hóa công sở: Góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp

29/11/2023 6:39 PM

(Chinhphu.vn) - Khi văn hóa công sở và nơi công cộng đã thấm nhuần vào nhận thức, thì tinh thần thái độ trong thực thi công vụ, phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, người dân của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều được nâng lên.

Văn hóa công sở: Góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp- Ảnh 1.

Qua hơn 6 năm thực hiện 2 quy tắc ứng xử đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ - Ảnh: VGP

Định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc

Trong tọa đàm "Kinh nghiệm hay trong tổ chức thực hiện phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng" vừa tổ chức, nhiều đại biểu nhận định, mấu chốt nhất trong nâng cao văn hóa công sở và nơi công cộng vẫn là nhận thức và tư duy, nhận thức có đúng thì hành động mới đúng; văn hóa công sở được thấm nhuần thì thái độ khi phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng lên.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh, năm 2017, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan thuộc TP. Hà Nội.

Qua hơn 6 năm thực hiện 2 quy tắc ứng xử đã góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ CBCCVC, NLĐ Thủ đô "kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện"; định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức, công dân trong gia đình và xã hội. Đồng thời, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thông qua việc triển khai các quy tắc ứng xử, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay, nhiều gương cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu trong thực hiện quy tắc ứng xử, được UBND TP và các cấp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng.

Tọa đàm là dịp để tuyên truyền, nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu…

Nhiều kinh nghiệm thiết thực

Chia sẻ của Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Hồng Chi về kinh nghiệm thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử tại đơn vị cho thấy, Hoàng thành Thăng Long cũng như di tích Cổ Loa là nơi thường xuyên tập trung đông khách ghé tới. Vì thế, cách ứng xử khi giao tiếp với người dân được đơn vị đặc biệt chú trọng. Đồng thời, trung tâm cũng tổ chức các buổi tập huấn về kĩ năng lễ tân, đón tiếp khách, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Ở những vị trí đón tiếp khách, Trung tâm đều treo 2 bộ quy tắc ứng xử và đồng thời có thêm một quy định riêng dành cho khách tham quan. Đối với cán bộ thuộc trung tâm, từ thực tế vào những ngày cao điểm, hầu như lúc nào cũng có khách đánh rơi điện thoại, ví tiền, đơn vị đã tích cực truyền thông gương người tốt việc tốt trong việc nhặt được của rơi trả người đánh mất để lan tỏa lối sống đẹp của cán bộ Thủ đô.

Còn theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội, hàng năm, Đảng ủy cơ quan chỉ đạo thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng tài sản công và quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, 100% cán bộ, đoàn viên, đảng viên ký cam kết tu dưỡng, rèn luyện trong năm, tập trung vào rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, phương pháp công tác của người cán bộ phụ vận gắn với thực hiện kỷ cương hành chính và Quy tắc ứng xử trong các cơ quan thuộc Thành phố.

Còn Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hồng Dân chia sẻ, tùy từng lĩnh vực hoạt động chuyên môn, Sở đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử cũng như phong trào "CBCCVC, NLĐ Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng" cho phù hợp.

"Khi văn hóa công sở và nơi công cộng đã thấm nhuần vào nhận thức, thì tinh thần thái độ trong thực thi công vụ, phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, người dân của mỗi CBCCVC đều được nâng lên, góp phần tạo nên Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Sở LĐ-TB&XH đã đứng thứ nhất trong khối sở, ngành của Thành phố", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ.

Sở sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ 2 quy tắc ứng xử này trong mỗi hoạt động trọng tâm cũng như hoạt động lồng ghép của toàn ngành, để thực hiện tốt hơn phong trào thi đua "CBCCVC, NLĐ Thủ đô thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho hay, ngay từ các chi bộ trong Đảng bộ Sở đã kịp thời có những định hướng, uốn nắn để các đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện bám sát các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử… Đặc biệt, Sở đã phát động trong tập thể cán bộ, công chức tích cực thực hiện phong trào thi đua "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính tại Sở với phương châm 4S - 2K": Sẵn sàng xử lý văn bản trên phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp, sẵn sàng gửi - nhận email, sẵn sàng cập nhật dữ liệu, sẵn sàng số hóa hồ sơ nộp trực tiếp đối với các TTHC đã cung cấp mức độ 3 và không sử dụng tài liệu giấy khi họp, không sao chụp văn bản.

Những kết quả đạt được đã từng bước thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ nữ CBCCVC, NLĐ Thủ đô trong thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, thi đua xây dựng người phụ nữ Thủ đô "Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch" góp phần vào việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố Phạm Thị Nguyên Hạnh cho rằng, việc thực hiện cụ thể hóa những nội dung trong 2 quy tắc ứng xử tại các cơ quan sơ, ngành, đoàn thể thuộc TP. Hà Nội đã có những cách làm khác nhau, đều là những kinh nghiệm, cách làm rất hay, mà từ đó các cơ quan của TP có thể học hỏi để rút ra cách làm phù hợp với đơn vị mình.

Các ý kiến đều toát lên một nhận định quan trọng, rằng vấn đề mấu chốt nhất trong nâng cao văn hóa công sở và nơi công cộng vẫn là nhận thức và tư duy, nhận thức có đúng thì hành động mới đúng.

Gia Huy

Top