Vận tải công cộng: Làm thế nào để ‘hút’ khách?
(Chinhphu.vn) - Hướng đến mục tiêu vận tải hành khách công cộng đạt 30%-35% vào năm 2025, việc nâng cao nhận thức và sự đồng thuận trong dư luận xã hội về lợi ích của vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung là hết sức quan trọng. Vậy làm thế nào để "hút" khách?
Vận tải công cộng mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu
Hà Nội đã trở thành một đại đô thị về quy mô dân số và phương tiện cá nhân với hơn 8 triệu người, gần 7,5 triệu xe. Tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lo ngại hơn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô mới đáp ứng dưới 15% nhu cầu đi lại. Sức hút của vận tải hành khách công cộng chưa thực sự lan toả được đến đại bộ phận nhân dân.
Theo kế hoạch đã được Chính phủ và UBND TP. Hà Nội giao, mạng lưới vận tải công cộng của Thành phố đến năm 2030 phải đáp ứng tối thiểu 40% nhu cầu đi lại, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, qua đó hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Mới đây, tại buổi Tọa đàm "Giải pháp để hút khách đến với vận tải công cộng" ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết, mạng lưới vận tải công cộng của Hà Nội hiện có 154 tuyến với 132 tuyến có trợ giá…
Hệ thống vận tải đã phủ đến tất cả quận, huyện. Trong 9 tháng đầu năm 2022, hệ thống xe buýt đã thu hút được 215 triệu lượt hành khách, đạt doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng. So với 2 năm dịch COVID-19 thì vận tải xe buýt Hà Nội đã phục hồi, đáp ứng phần nào nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) chia sẻ, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hoạt động đến nay đã được gần 1 năm và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ về số lượng hành khách, về chất lượng phục vụ và văn hóa đi tàu của hành khách.
Tính hết đến ngày 4/10, metro Cát Linh- Hà Đông đã vận chuyển được hơn 6,4 triệu hành khách. Đặc biệt, từ đầu tháng 10, khi sinh viên nhập học, khách tăng hơn so với tháng 9 là 15%, lưu lượng giờ cao điểm đạt 5.000-6.000 hành khách.
"Chúng tôi rút ra bài học, để thành công trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (bằng tàu điện), cần có cách tiếp cận và giải pháp riêng, không thể áp dụng những phương thức của bất cứ quốc gia nào khác", ông Trường nhìn nhận.
Cần tích hợp các giải pháp
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư, để thu hút khách đến với vận tải công cộng thì việc đầu tiên cần làm là phải phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển hạ tầng là chưa đủ mà cần có thêm nhiều giải pháp khác và những giải pháp này phải có tính tích hợp với nhau.
Trước tiên, TP. Hà Nội cần có một trung tâm điều hành chung để kiểm soát đầy đủ các phương tiện giao thông công cộng. Làm thế nào cho hành khách khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách thuận lợi nhất. Nếu làm được điều đó thì tự nhiên người dân sẽ thích và đến với vận tải công cộng. Bởi sử dụng phương tiện vận tải công cộng vốn có nhiều lợi thế so với phương tiện cá nhân, mà lợi thế dễ nhận thấy nhất là giá rẻ hơn rất nhiều.
Ngoài ra, Thành phố cũng cần có thêm giải pháp tổ chức lại giao thông, cụ thể hơn là tổ chức các bãi đỗ xe, nhất là ở khu vực trung tâm Thành phố để thuận tiện hơn cho người đi xe công cộng. Đây là giải pháp nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm và làm rất hiệu quả.
"Tôi lấy ví dụ như ở Nhật Bản, số lượng phương tiện cá nhân của họ là rất lớn. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân Nhật Bản sử dụng phương tiện công cộng vẫn rất lớn. Đơn giản vì giao thông công cộng vừa thuận tiện và vừa rẻ", ông Nguyễn Văn Dư cho hay.
Liên quan đến Đề án hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân ra vào khu vực nội đô để giảm ùn tắc giao thông, chuyên gia Nguyễn Văn Dư cho rằng, TP. Hà Nội phải tổ chức lại giao thông, tất cả các tuyến đường vào nội đô nếu đã được tổ chức vận tải công cộng tốt rồi thì nên tổ chức các điểm trông giữ xe thuận lợi, giá rẻ để người dân gửi phương tiện và sử dụng vận tải công cộng để vào trung tâm…
Bên cạnh đó, cần có một chính sách công bằng với giao thông công cộng và tổ chức giao thông sao cho hợp lý. Hay nói cách khác, những giải pháp đưa ra làm sao tạo ra lực vừa kéo, vừa đẩy thì giao thông công cộng sẽ chiếm lĩnh được thị trường và chiếm được tình cảm của người dân.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư cũng cho rằng, các ngành chức năng của Thủ đô cần sớm vào cuộc, chấn chỉnh tình trạng dừng đỗ xe và tham gia giao thông lộn xộn tại các trục đường. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen đi lại. Ngoài ra, các đơn vị có thể nghiên cứu thêm việc thu phí giao thông nội đô.
"Có 7 bài học chính, chúng tôi đã rút ra được, cụ thể: Luôn lắng nghe, nghiên cứu nhu cầu và đặc tính đi lại của hành khách để điều chỉnh thời gian, tần xuất và dịch vụ sao cho phù hợp với thực tế. Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận với xe buýt và nhà ga đường sắt, nhưng hạn chế tối đa ngân sách của Thành phố. Đồng thời phải có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng như quãng đường dài thì trả tiền nhiều, đi ngắn thì trả tiền ít, vé tháng được kích hoạt trong 30 ngày, kể từ ngày đăng ký và có vé ngày dành cho người dân đi trải nghiệm.
Ngoài ra, phải tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng và xây dựng văn hóa tham gia giao thông công cộng ngay từ đầu. Khai thác tối đa tiềm năng thương mại tuyến, tập chung dịch vụ thương mại cho hành khách", ông Dư nhấn mạnh.
Diệu Anh