Vành đai 4: Phối hợp chặt chẽ, tiến độ khả quan
(Chinhphu.vn) - Quá trình triển khai dự án Vành đai 4 của ba địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên rất bài bản, phối hợp chặt chẽ có sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ của người dân. Các địa phương đang triển khai đồng loạt các mũi thi công trong tháng 1/2024.
Sáng 4/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ dự án Vành đai 4 tại tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên tại vị trí giao QL38 thuộc xã Hoàng Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và vị trí giao cắt giữa tuyến dự án đường Vành đai 4 và đường Lê Văn Lương (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Sau khi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã cùng chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo với Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn.
Triển khai đồng loạt các mũi thi công trong tháng 1/2024
Đến nay, 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 1.306,06/1.390,63ha (đạt 93,92%) và di chuyển 11.540/15.556 ngôi mộ (đạt 74,18%).
Trong đó, Thành phố Hà Nội thu hồi đất 764,0/791,35 ha (đạt 96,54%) và di chuyển 8.718/10.082 ngôi mộ (đạt 86,42%). Đã khởi công và tổ chức xây dựng 12/13 khu tái định cư, trong đó huyện Thường Tín đã tổ chức bốc thăm cho 137 hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư.
Tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi đất 346,46/369,08ha (đạt 93,87%) và di chuyển 1.071/1.731 ngôi mộ (đạt 61,87%). Đã tổ chức thi công xây dựng 2/12 khu tái định cư, các khu còn lại dự kiến triển khai xây dựng trong quý II/2024.
Tỉnh Hưng Yên đã thu hồi đất 195,6/230,2ha (đạt 85%) và di chuyển 2.587/3.743 ngôi mộ (đạt 69%). Đã tổ chức thi công xây dựng 5/11 khu tái định cư và 2/7 khu cải tạo mở rộng nghĩa trang, các khu tái định cư và khu cải tạo mở rộng nghĩa trang còn lại, hiện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công.
Với dự án thành phần 2.1, trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 32 mũi thi công, bao gồm 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu. Với dự án thành phần 2.2 (trên địa bàn tỉnh Hưng Yên), đã tổ chức 4 mũi thi công đường, đến nay bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 59.107/794.024m3, đắp cát khoảng 49.256/727.675m3, đang chuẩn bị triển khai thi công cắm bấc thấm và các công tác khác. Tổng giá trị hợp đồng của gói thầu thuộc dự án thành phần 2.2 khoảng 1.253 tỉ đồng, sản lượng thi công đến nay đạt 13,0 tỉ đồng (đạt 1,1%).
Với dự án thành phần 2.3 (trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh), tuyến đường song hành chia thành 3 phân đoạn tương ứng với 3 gói thầu xây lắp, trong đó 3/3 phân đoạn đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Trong đó, đoạn từ giáp ranh với tỉnh Hưng Yên đến QL 38 sẽ tổ chức 10 mũi thi công (trong đó 8 mũi thi công đường, 2 mũi thi công cầu) và triển khai thi công đồng loạt các mũi thi công trong tháng 1/2024. Đoạn từ QL 38 đến cầu Hoài Thượng: Lựa chọn xong nhà thầu xây lắp và bắt đầu triển khai thi công trong tháng 1/2024. Đoạn thuộc địa phận thị xã Quế Võ và Thành phố Bắc Ninh: Phê duyệt và lựa chọn nhà thầu xây lắp, triển khai thi công trong quý I/2024.
Về dự kiến tiến độ trong năm 2024, sẽ tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với 84,57ha còn lại (Hà Nội 27,35ha; tỉnh Hưng Yên 34,6ha, tỉnh Bắc Ninh 22,62ha) và di chuyển 4.016 ngôi mộ (Hà Nội 1.364 ngôi; tỉnh Hưng Yên 1.156 ngôi, tỉnh Bắc Ninh 660 ngôi), xong trước ngày 31/3/2024.
Với nhóm dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành, tập trung huy động toàn bộ nhân lực, thiết bị, máy móc tổ chức thi công đồng loạt các hạng mục công trình trên toàn tuyến, phấn đấu hoàn thành các đoạn tuyến đường song hành không phải xử lý nền đất yếu trong năm 2024, hoàn thành các đoạn tuyến còn lại trong năm 2025.
Với dự án thành phần 3 (dự án PPP), sẽ tập trung lựa chọn đơn vị tư vấn, lập thiết kế sau thiết kế cơ sở đối với tiểu dự án đầu tư công trong dự án thành phần 3. Đồng thời tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu hoàn thành trong quý III/2024, khởi công công trình vào đầu quý IV/2024 dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tại hội nghị, lãnh đạo 3 tỉnh, Thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã trao đổi, thảo luận và nêu 5 kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, về giải phóng mặt bằng, khó khăn lớn nhất của tỉnh là cơ chế tái định cư cho doanh nghiệp và việc di dời công trình hạ tầng điện.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sau 16 tháng triển khai, với sự quyết liệt của 3 địa phương, sự hỗ trợ các bộ, ngành Trung ương, Dự án đường Vành đai 4 đã tiến được một bước dài, những vướng mắc khó khăn lớn đã được tháo gỡ. Ban Chỉ đạo hoạt động rất hiệu quả, cơ chế phối hợp nhịp nhàng và Thành phố Hà Nội có tinh thần tiến công rất cao để hai tỉnh làm theo…
Các địa phương cũng nêu đề nghị với các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án như: Bộ Công Thương quan tâm, xem xét, tạo điều kiện sớm có văn bản thẩm định đối với hồ sơ thiết kế thi công di dời hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xong trước ngày 10/1/2024. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ, khai thác theo cơ chế đặc thù làm cơ sở để các địa phương công bố giá vật liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán cho nhà thầu.
Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ UBND Thành phố Hà Nội trong công tác thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với Dự án thành phần 3 (Dự án PPP)...
3 địa phương đã phối hợp chặt chẽ để triển khai dự án
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, qua kiểm tra ở hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nội, nhìn chung tình hình tiến độ triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 đến thời điểm này rất khả quan.
Quá trình triển khai rất bài bản, phối hợp chặt chẽ giữa 3 địa phương, có sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ đồng thuận của người dân.
Đối với vật liệu, khó khăn lớn nhất là thiếu đất đắp phục vụ dự án ở hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, tuy nhiên như trả lời của đại diện các bộ có thể thay thế bằng cát đắp. Còn với cát đắp, Hà Nội đã chỉ đạo rà soát bổ sung các mỏ phía đông sát hai tỉnh để sẵn sàng hỗ trợ; vấn đề phải thực hiện đúng cơ chế, chính sách, đúng quy định.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội nêu và đánh giá cao cách làm của huyện Mê Linh khi vận động người dân cho mượn đất làm đường công vụ phục vụ thi công dự án. Từ đó, đề nghị các địa phương khác ở Hà Nội và cả hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên vận dụng để giúp nhà thầu thi công tăng thêm đường công vụ, tăng thêm mũi thi công để góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị trước mắt tập trung phấn đấu di dời xong các mộ trước ngày 23 tháng Chạp; di dời xong các công trình hạ tầng chìm, nổi trước 30/6/2024.
Gia Huy