Vệ sinh ATTP bảo đảm từ nông nghiệp công nghệ cao

14/12/2018 4:01 PM

(Chinhphu.vn) - Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội. Đây cũng là phương thức quan trọng để đảm bảo được nguồn thực phẩm sạch theo đúng các quy chuẩn quốc tế.

Nhiều thử thách phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trong lĩnh vực chăn nuôi tại Hà Nội, Công ty chăn nuôi Việt Hưng tại thị xã Sơn Tây khá nổi tiêng với diện tích 15 ha, công ty đã xây dựng được một hệ thống chuồng trại hiện đại. Tại đây, đã sản xuất được lợn giống và lợn thương phẩm. Sau khi nhập một số giống lợn ngoại có chất lượng (giống ông bà), nguồn gốc từ các nước Đan Mạch, Thái Lan về, với công suất ổn định 400 lợn ông bà và 800 lợn bố mẹ/năm, công ty đã sản xuất được hàng ngàn con lợn giống chất lượng cao và hàng chục ngàn lợn thương phẩm để cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước.

Đáng chú ý hơn là trong quá trình hoạt động chăn nuôi của mình, công ty đã quan tâm xây dựng được một hệ thống xử lý nước thải hiện đại theo công nghệ tiên tiến. Toàn bộ lượng nước thải trong chăn nuôi sẽ được xử lý thông qua một dây chuyền khép kín; nước thải sau khi xử lý, đạt tiêu chuẩn sạch được tận dụng trở lại để tắm rửa cho lợn. Việc làm này đã giúp tiết kiệm tối đa nguồn nước, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ có hệ thống xử lý nước thải nên môi trường chăn nuôi lợn ở đây đảm bảo yêu cầu sạch, cách ly được bệnh tai xanh nên không phải tiêm vaccine….

Theo đánh giá của các chuyên gia, những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo hướng áp dụng công nghệ cao của Hà Nội mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc như: Đất đai, tài chính, tiêu thụ sản phẩm, chính sách…

Đặc biệt, việc sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ còn ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa có các doanh nghiệp, trang trại ứng dụng đồng bộ, chưa hình thành các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản công nghệ cao, diện tích cây trồng, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn thấp.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu, vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu...

Mặt khác, từ góc độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thế giới cũng như thực tế tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả và cho lợi nhuận cao khi có các chính sách cụ thể và xác định được công nghệ phù hợp.

Nguyên nhân để các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả chưa như kỳ vọng là do vẫn còn một số tồn tại của việc chưa đủ quyết tâm để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thêm vào đó, việc lựa chọn mô hình, sản phẩm sản xuất chưa phù hợp, khả năng tài chính chưa đủ mạnh để thực hiện đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp… Đây là những bài học quý báu cho các địa phương đang chuẩn bị chuyển đổi theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Có nhiều thuận lợi để phát triển

Nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và gia tăng xuất khẩu, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 8 khu đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Theo nội dung này, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, Hà Nội cũng đã đã thông qua Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020.

Thực tế, Hà Nội được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian vừa qua, một số trang trại, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp và đã tạo ra năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như các mô hình chăn nuôi lợn, bò sữa sử dụng giống mới có năng suất cao, chất lượng thịt tốt, chăn nuôi theo quy trình công nghệ chuồng khép kín, có hệ thống điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, máng ăn, uống tự động. Nhiều trang trại trồng hoa lan trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ nuôi cấy mô, tưới phun sương tiết kiệm nước. Ngoài ra, nhiều cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản bằng công nghệ bao gói hút chân không, bảo quản lạnh… 

Để khắc phục những hạn chế này, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND thành phố đề xuất Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020. Chương trình có tổng vốn đầu tư gần 11.300 tỷ đồng, với mục tiêu hình thành vùng sản xuất 1.000 ha trồng rau, 500 ha trồng hoa, 1.370 ha trồng cây ăn quả, 1.000 ha trồng chè ứng dụng công nghệ cao.

Có 3 vùng chăn nuôi gia cầm, 2 vùng chăn nuôi lợn, 3 vùng chăn nuôi bò thịt, 4 vùng chăn nuôi bò sữa, 200 trang trại chăn nuôi gà, 200 trang trại chăn nuôi lợn, 10 trang trại chăn nuôi bò thịt, 10 trang trại chăn nuôi bò sữa, 600 ha thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 9 mô hình sản xuất giống, 51 mô hình trình diễn sản xuất ứng dụng công nghệ cao, 22 mô hình sơ chế, bảo quản, chế biến, 3 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố hiện đạt 25%. Trong đó, lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt gần 18%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%.

Định hướng đến năm 2020, Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn và có sức cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản...

Nguyễn Thắng

Top