Vi phạm nồng độ cồn: Hà Nội sẽ 'mạnh tay' hơn nữa
(Chinhphu.vn) - Việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã giúp tai nạn giao thông giảm sâu. Và với chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội sẽ làm mạnh tay hơn nữa trong công tác này. Đối với các trường hợp có hành vi chống đối, cản trở, nếu cấu thành tội phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý hình sự theo quy định.
Trên Fanpage Thông tin Chính phủ của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, bài đăng "Thông báo đến cơ quan nếu cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn" ngày 13/2 về văn bản của UBND TP. Hà Nội nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã nhận được hơn 33.000 tương tác, hơn 6.600 lượt like, hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Các bình luận đều ủng hộ chủ trương của UBND TP. Hà Nội nhằm phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Tiếp tục xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm
Đây là văn bản của UBDN TP. Hà Nội vừa ban hành ngày 13/2 để tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu thông báo hành vi vi phạm của người là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, anh Thanh T., phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho biết bản thân anh rất ủng hộ chủ trương "mạnh tay" này của Thành phố để người dân thực hiện nghiêm quy định "Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông" và cam kết tuyên truyền, vận động người thân cùng chấp hành quy định. Anh Tùng cho biết thêm, từ khi Thành phố "siết mạnh" việc kiểm tra nồng độ cồn, các cuộc gặp dự kiến có uống rượu, bia, anh T. đều chủ động phương tiện là đi taxi hoặc đặt xe công nghệ.
"Tôi cũng đặc biệt ủng hộ chủ trương của Thành phố về nghiêm cấm việc can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ", anh Thanh Tùng chia sẻ.
"Nghiêm cấm việc can thiệp" cũng là chủ trương vừa được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu nhằm nghiêm cấm về hành vi can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng thực thi công vụ. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để cán bộ do mình quản lý vi phạm. Với các trường hợp cán bộ vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Sở Nội vụ được giao nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung này vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ vi phạm và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Chia sẻ với phóng viên, anh Đình D. (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, từ khi thực hiện Nghị định 117/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định về uống rượu bia đến nay thì bản thân anh đã giảm thiểu rất nhiều việc uống rượu bia so với trước kia. Một phần do nhận thức được tác hại của việc uống rượu, bia khi lái xe dễ gây ra tai nạn giao thông, một phần vì muốn bảo vệ sức khỏe của chính bản thân cũng như hạnh phúc gia đình.
Theo anh D., rất nguy hiểm nếu người say rượu vẫn tham gia giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính mình và những người khác. Thực tế, bạn bè xung quanh anh cũng đã nâng cao được ý thức, nếu ngồi bàn nhậu thì sẽ không cầm lái mà thuê xe hoặc để người tỉnh táo đưa về nhà.
"Đặc biệt từ Tết đến nay, lực lượng chức năng làm rất nghiêm túc trong việc thổi nồng độ cồn các phương tiện tham gia giao thông. Có những người bị xử phạt nặng lên tới mấy chục triệu, nên mọi người đã truyền tai nhau, nhỡ ra sẽ bị xử phạt luôn. Nên cách tốt nhất là không uống rượu bia, hoặc đã uống thì không lái xe tham gia giao thông"- anh D. cho hay.
Cùng quan điểm về việc không nên uống rượu bia khi tham gia giao thông, anh Nguyễn Văn H. (một cán bộ công chức làm việc tại quận Hà Đông) cho rằng việc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, công chức tác động xử lý vi phạm nồng độ cồn... là một việc làm rất đúng và kịp thời, giúp chấn chỉnh những hành vi can thiệp không nên có. Điều đó sẽ góp phần tác động xấu đến những người tham gia giao thông và không khác gì "tiếp tay" cho những "ma men" gây tai nạn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và đời sống của nhân dân.
Trao đổi với phóng viên, bệnh nhân N.V.T (trú tại quận Bắc Từ Liêm) cho hay cách đây hơn 3 tháng, anh có uống rượu và bị tai nạn giao thông vỡ xương bánh chè, đã phẫu thuật thành công nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị, ảnh hưởng rất nhiều tới công việc và cuộc sống.
"Nếu đợt cao điểm kiểm tra, xử lý quyết liệt này được tổ chức sớm hơn, thì sẽ tránh được rất nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc, trong đó có tôi. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn, nhiều người đã không thể trở về nhà sau một cuộc nhậu khi uống rượu bia vẫn lái xe", anh T. chia sẻ.
"Không có vùng cấm, không ngoại lệ, không bao che vi phạm" là chủ trương của quận Hoàn Kiếm - quận trung tâm của Thủ đô. Trong lễ phát động "Năm An toàn giao thông và bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường năm 2023", Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, quận đã quyết tâm giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Như vậy, quận Hoàn Kiếm kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bằng hình thức xử phạt với phương châm "thượng tôn pháp luật".
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân đã nhấn mạnh, quận Hoàn Kiếm "không có vùng cấm, không ngoại lệ, không bao che vi phạm". Hàng tháng, quý, năm, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân được giao thực thi nhiệm vụ.
Xử lý gần 15.000 lái xe vi phạm, tai nạn giảm sâu
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, đối với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, Bộ Công an xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm, mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng công an trong năm 2023. Do đó, ngay khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và chỉ đạo của Thành phố, các lực lượng Công an Thành phố đã đồng loạt ra quân vào cuộc kiểm tra xử lý ở trên địa bàn quận huyện mình đươc phụ trách.
Công an Thành phố đã bố trí lực lượng đủ mạnh, huy động 15 tổ 141 cơ động, Phòng CSGT Thành phố cũng có 15 đội kiểm tra, cùng với lực lượng ở 30 quận, huyện. Việc kiểm tra được tiến hành đột xuất bất kỳ thời gian, địa điểm nào để ngăn chặn việc ứng phó với lực lượng kiểm tra của các đối tượng cố tình vi phạm.
"Từ khi triển khai, có một số trường hơp lái xe cản trở không chấp hành và các lực lượng đã xử lý nghiêm minh, không có một ngoại lệ nào. Chúng tôi cũng rất kiên quyết đối với các trường hợp lăng mạ tổ công tác thi hành nhiệm vụ. Đặc biệt, sau khi có chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch Thành phố, không chỉ đối với đảng viên, mà tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, khi vi phạm thì chúng tôi tiến hành gửi công văn ngay tới cơ quan đơn vị để phối hợp xử lý theo quy định", Đại tá Trần Đình Nghĩa nói.
Đến nay, kết quả đạt được tương đối tốt, đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét về ATGT. Điển hình là trước, trong và sau Tết, trên địa bàn không xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Tai nạn giao thông đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết, số người bị thương. Từ tháng 11/2022 đến tháng 2/2023, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 144 vụ tai nạn giao thông, 66 người chết, 107 người bị thương. So sánh với cùng kỳ, giảm 65 vụ, 43 người chết, 5 người bị thương. So sánh với thời gian liền kề, giảm 30 vụ , giảm 18 người bị chết, giảm 33 người bị thương.
"Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã góp phần tích cực cho kết quả đó. Hà Nội là một trong những địa phương đã tiến hành kiểm tra nhiều nhất và xử lý người vi phạm nồng độ cồn tham gia giao thông cao nhất cả nước", Đại tá Trần Đình Nghĩa cho biết.
Cụ thể, trong 2 tuần đầu ra quân, người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia chiếm khoảng 18-20% số lượng người được kiểm tra. Trong 15 ngày tiếp theo, tỷ lệ còn 13 -14% và 15 ngày tiếp theo nữa thì chỉ còn 5-7%. Đến nay sau gần 3 tháng, tỷ lệ người được kiểm tra có sử dụng rượu bia chỉ còn 3-4% với các lái xe ô tô.
Từ 15/11/2022 - 15/2/2023, Hà Nội đã xử lý hơn 75.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; phạt tiền ước tính hơn 123 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý gần 15.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 2.071 người điều kiển xe ô tô, phạt tiền hơn 82 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 8.584 trường hợp, tạm giữ gần 15.000 phương tiện.
Xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, cản trở, kể cả xử lý hình sự
Đại tá Trần Đình Nghĩa cho rằng, với quyết tâm chính trị rất cao của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, tinh thần quyết tâm cao và việc xử lý khách quan, minh bạch, đúng người, đúng việc của các lực lượng thực thi công vụ đã tạo nên chuyển biến rõ nét trên.
Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an đến các địa phương để giao ban công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông này 16/2/2023, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện nhiệm vụ này, với sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp. Lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu các địa phương học tập kinh nghiệm của Hà Nội để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố.
Đại tá Trần Đình Nghĩa đánh giá, nhận thức của người tham gia giao thông đã có chuyển biến, ý thức của người dân nâng lên, tính lan tỏa cao; tạo bước tiến mới về văn hóa tham gia giao thông an toàn và không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Không những góp phần hiệu quả kiềm chế tai nạn giao thông, việc kiểm tra cũng góp phần bảo đảm an toàn trật tự xã hội, giảm bớt các hậu quả khác do uống rượu bia gây ra.
Đây sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, kiên quyết, triệt để, lâu dài và luôn xử lý nghiêm minh theo pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Việc này rất có ý nghĩa trong xây dựng được văn hóa giao thông mang ý nghĩa lâu dài.
Đại tá Trần Đình Nghĩa cho rằng, để việc tham gia giao thông không uống rượu bia trở thành nền nếp thì các cơ quan, đơn vị, trường học cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức để người dân nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… hiểu rõ và thực hiện nghiêm quy định "đã uống rượu bia không lái xe", các tổ chức cá nhân không vị phạm, không tham gia can thiệp trường hợp vi phạm dù là người thân, người nhà.
Thời gian tới, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, của TP. Hà Nội, xử lý nghiêm minh, đặc biệt sẽ có văn bản gửi các cơ quan khi kiểm tra phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Đối với các trường hợp có hành động chống đối, cản trở, nếu cấu thành tội phạm, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý hình sự theo đúng quy định.
"Trên cơ sở kết quả bước đầu, có thể khẳng định, nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng sẽ tạo ra thay đổi tích cực, thay đổi toàn diện thói quen tham gia giao thông an toàn và hình thành văn hóa giao thông với ý chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn cho mình và cho mọi người tham gia giao thông", Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh.
Anh Hà Tú