Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Nội tăng gần 8%

28/03/2022 4:15 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong quý I/2022, Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố quý I/2022 ước tính đạt 76 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 26 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn đầu tư và tăng 10,1%; vốn ngoài nhà nước đạt 45 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,4% và tăng 6,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5 nghìn tỷ đồng, chiếm 7% và tăng 6,7%.

Chia theo khoản mục đầu tư, vốn đầu tư xây dựng cơ bản quý I/2022 ước tính đạt 45 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,8% tổng vốn đầu tư và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 22 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,7% và tăng 7,8%; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 3.683 tỷ đồng, chiếm 4,8% và tăng 9,7%; bổ sung vốn lưu động đạt 4.019 tỷ đồng, chiếm 5,3% và tăng 0,1%; vốn khác đạt 1.075 tỷ đồng, chiếm 1,4% và tăng 0,1%.

Riêng trong tháng 3, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 2.978 tỷ đồng, tăng 36,1% so với tháng trước và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Ước tính quý I/2022 vốn đầu tư thực hiện đạt 8.475 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 16,6% kế hoạch năm. 

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp Thành phố thực hiện 4.185 tỷ đồng, giảm 11,6% và đạt 19,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp quận, huyện thực hiện 3.952 tỷ đồng, tăng 26,5% và đạt 14,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã, phường thực hiện 338 tỷ đồng giảm 22,1% và đạt 21,2%.

Trong quý I/2022, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, nhất là công trình, dự án trọng điểm; các doanh nghiệp và hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh, nhà ở... 

Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu xây dựng và chi phí nhân công tăng cao trong khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trình xây dựng của doanh nghiệp và hộ dân cư.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, đưa vào sử dụng 51 dự án cải tạo, sửa chữa để nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng giao thông; 6 nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); triển khai phương án tiếp nhận, bàn giao và đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A - Cát Linh - Hà Đông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Nội tăng gần 8% - Ảnh 2.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: VGP/Minh Anh

Hiện nay Thành phố tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm khác như: Công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương, đường Vành đai 3. Việc triển khai hiệu quả nhiều công trình giao thông trọng điểm góp phần tăng năng lực hạ tầng giao thông; giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan đô thị.

Dự án xây dựng đường Vành đai 2 trên cao trục cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở: Dự án khởi công tháng 4/2018 với tổng mức đầu tư 9,4 nghìn tỷ đồng, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 5 km. Hiện tại đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã hoàn thành, thông xe đi vào vận hành. Đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang được chủ đầu tư huy động phương tiện máy móc, nhân lực thi công tăng ca, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao để đẩy nhanh tiến độ thi công theo đúng cam kết với Thành phố. 

Đến nay, tiến độ gói thầu đoạn từ Cầu Vĩnh Tuy đến Chợ Mơ đã hoàn thành trên 90% khối lượng, công việc còn lại như lắp đặt lan can, tường chống ồn... đang được tập trung thực hiện để hoàn thành trước ngày 20/4/2022. Hiện toàn bộ phần dưới của gói thầu từ Chợ Mơ đến Ngã Tư Vọng đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 12/2022 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến.

Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 01/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5 km. Đến nay, dự án đã hoàn thành 43% khối lượng công việc, trong đó 90% số cột trụ đã hoàn thành và đường dẫn vượt bãi sông đang dần hoàn thiện. 

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau khi khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố, đồng thời sẽ giải quyết bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3.

Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3,  khởi công tháng 10/2020 có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng với tổng chiều dài 475 m, trong đó hầm kín là 95 m, hầm hở và gờ chắn dài 380 m (mỗi bên dài 190m); mặt cắt ngang gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75 m, gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. 

Cùng thực hiện dự án là thu hẹp hai hè để mở rộng đường Lê Văn Lương với chiều dài 315 m và mở rộng đường Tố Hữu với chiều dài 390 m. Hiện, nhà thầu đang thi công lắp đặt hệ thống điện và nước đi ngầm…; phấn đấu hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trong quí IV/2022, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại nút giao theo hướng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu và giảm ô nhiễm môi trường.

 Minh Anh

 

Top