Vụ rau ‘VietGAP dởm’ vào siêu thị: Cần làm gì để bảo vệ người tiêu dùng?

22/09/2022 1:35 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, trả giá cao hơn để mua “rau sạch”, “rau an toàn” và “đạt chuẩn VietGAP” bán tại các siêu thị. Nhưng họ không thể ngờ rằng có một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị. Vậy cần làm gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Vụ rau ‘VietGAP dởm’ vào siêu thị: Cần làm gì để bảo vệ người tiêu dùng? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng lựa chọn rau tại siêu thị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Người tiêu dùng bức xúc với rau 'VietGAP dởm'

Mới đây, báo chí đã đưa tin về Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bán rau sạch rởm "biến hình" vào Winmart, Tiki ngon... Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).

Trước hành vi gian lận trên, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra khá bức xúc bởi họ cảm thấy thiệt thòi, bỏ tiền nhiều hơn nhưng lại để mua rau "bẩn". Chị Nguyễn Thị Châm (trú ở phường Xuân La, quận Tây Hồ) nói: "Người tiêu dùng chúng tôi chấp nhận mua rau giá cao hơn nhiều vì nghĩ mua rau ở siêu thị sẽ an toàn hơn ở chợ, mà giờ khả năng bị mua phải "rau bẩn". Nếu ăn lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả nhà".

Cùng tâm trạng bất an, bác Đỗ Thi Sơn (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho hay: "Tôi là người nội trợ chính cho 6 người ăn trong gia đình. Mỗi ngày đi mua thực phẩm, tôi đều vào siêu thị gần nhà, chọn những mớ rau xanh phải có nguồn gốc, nhãn mác cũng như chứng nhận VietGAP thì mới mua. Nhưng sau đọc thấy thông tin rau sạch dởm "biến hình" vào siêu thị thì chúng tôi mất niềm tin quá. Mong những trường hợp gian lận như này sẽ bị xử lý nghiêm".

Nhiều người cũng đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu nhà cung cấp đã và đang làm ăn gian dối, còn bao nhiêu siêu thị đang là nạn nhân của các nhà cung cấp ấy và làm sao để rau sạch thực sự được đưa đến người tiêu dùng?

Qua vụ việc này, người tiêu dùng mong muốn được bảo vệ quyền của mình nhiều hơn. Hy vọng các siêu thị lớn hay những chuỗi cửa hàng tiện ích có bán rau củ quả cũng cần kiểm tra lại, xử lý ngay, quyết tâm loại bỏ những đơn vị cung cấp "treo đầu dê bán thịt chó" ra khỏi hệ thống của mình. Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, bán lẻ, thậm chí là các nhà sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hoá trên thị trường.

Được biết, hiện chuỗi bán lẻ WinMart và và Tiki ngon đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ; đồng thời yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với đơn vị…

"Hãy bán hàng như bán cho người thân của mình"

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về vụ việc này, Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, vụ việc rau chợ "biến hình" vào siêu thị mới đây tại TPHCM là bài học chung, không chỉ cho siêu thị mà cả những nhà quản lý thương mại.

Để rút kinh nghiệm bài học này, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng cần quản trị doanh nghiệp nội bộ cho tốt. Theo đó cần quản trị chuỗi cung ứng ngắn từ đầu vào cho đến khâu nhập hàng, bảo quản trong kho cho đến sơ chế, tổ chức bán ra và theo dõi khi đến tay người tiêu dùng. Tức là phải phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ chịu trách nhiệm, nhất là khâu nhập hàng.

Đồng thời phải luôn luôn lắng nghe người tiêu dùng qua các hòm thư góp ý. Phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công Thương vừa sửa đổi, đã có quy định về những vấn đề này. Các siêu thị cần chấp hành nghiêm quy chế đó.

Cùng với đó, các siêu thị phải giáo dục đội ngũ cán bộ, nhân viên liên quan đến việc thu mua, bảo quản, vừa có nghiệp vụ chuyên môn nhưng phải vừa có đạo đức kinh doanh. "Tôi đã trao đổi với gần 1 vạn cán bộ công nhân viên ngành thương mại Hà Nội cách đây nhiều năm là "Hãy bán hàng như bán cho người thân của mình"; đừng để mất niềm tin, mất niềm tin là mất tất cả", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Ngoài ra, các siêu thị phải tự kiểm tra nội bộ là chính. Kiểm tra thường xuyên, đột xuất. Khen thưởng và xử phạt nghiêm minh trong nội bộ.

Còn đối với các cơ quan như Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải có những động thái cho vấn đề này; Sở Công Thương các tỉnh, thành cần làm mạnh lên phong trào "Phục vụ tốt, phục vụ văn minh, phục vụ có đạo đức" ở trong hệ thống siêu thị. Muốn dẫn dắt thị trường thương mại thì siêu thị phải làm tốt trước.

Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, siêu thị hiện mới chỉ phục vụ 15% nhu cầu hàng tươi sống của người dân, nguồn cung chủ yếu vẫn từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Do đó, tăng cường chất lượng phục vụ, vệ sinh toàn thực phẩm tại chợ là yêu cầu quan trọng với ngành công thương các địa phương, bên cạnh việc quan tâm chất lượng thực phẩm tại siêu thị.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng để bảo vệ quyền lợi cho chính mình và cho toàn xã hội thì trước hết người tiêu dùng khi mua hàng cần kiểm tra mặt hàng trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tìm đến những địa chỉ bán hàng có gắn thương hiệu (có gắn sao), hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ và có cả bộ phận chăm sóc khách hàng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm và có sửa đổi, bổ sung quy định 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng phải tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật để biết được quyền lợi trong tiêu dùng của mình để khi có sự cố xảy ra thì biết cách tự giải quyết hoặc tìm đến cơ quan nào để giải quyết.

Thùy Linh

Top