Chung tay sản xuất, tiêu thụ rau an toàn

31/03/2022 4:28 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn (RAT), nhiều chuyên gia cho rằng, TP. Hà Nội cần ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả. Đồng thời, cần sự chung tay của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và Nhà nước.

Chung tay sản xuất, tiêu thụ rau an toàn - Ảnh 1.

Chung tay sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Ảnh: VGP/Thành Nam

Quy trình canh tác rau an toàn áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật

Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là một trong những vùng sản xuất rau an toàn lớn của Hà Nội với hơn 250ha. Thời gian gần đây, vùng rau này đã "lột xác" với hạ tầng giao thông nội đồng được đầu tư bài bản, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật như tưới tự động, dùng màng che phủ… đã được áp dụng vào sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) Trần Văn Tuấn cho biết, hợp tác xã đã đầu tư 1,4 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới trên diện tích 10.000m2, quy trình canh tác áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới nên các loại rau đều cho năng suất cao, đồng đều về mẫu mã, chất lượng vượt trội, được thị trường đón nhận...

Xã Tân Minh, huyện Thường Tín - một trong những vùng rau gia vị lớn của Hà Nội với diện tích 200 ha cũng đang nỗ lực xây dựng vùng rau an toàn chất lượng cao. Bà Mai Thị Minh, Tổ trưởng tổ 5 mô hình chuỗi rau áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của nhiều thành phần (PGS) ở xã Tân Minh cho biết, với việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khoa học, kỹ thuật trong canh tác rau gia vị, chi phí sản xuất giảm, trong khi năng suất, chất lượng rau tăng cao, thu nhập gấp 5, 6 lần trồng lúa.

Những thành tựu trong sản xuất là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của Hà Nội vẫn còn những hạn chế nhất định. Hiện thành phố mới có 76 chuỗi liên kết sản phẩm rau, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua các hợp tác xã chỉ chiếm 6,1% so với tổng diện tích sản xuất.

Mới đây, theo báo cáo tại Hội thảo "Những vấn đề đặt ra từ hiện trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội" do Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức, cho thấy, các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ RAT đang tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, việc đầu tư cơ sở hạ tầng của các tác nhân trực tiếp tham gia liên kết chưa được quan tâm đúng mức; 53% mô hình chưa có khu chế biến sản phẩm RAT riêng; 60% mô hình không có hệ thống truy xuất nguồn gốc để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đáng nói việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh RAT rất hạn chế khi có tới 65% mô hình không giao dịch điện tử, 75% mô hình không có trang giao dịch thương mại điện tử riêng.

Sản phẩm RAT cũng chưa được minh bạch vì 79% mô hình không sử dụng hệ thống giám sát sản xuất; 66% số hóa đơn mua vật tư nông nghiệp đầu vào không được số hóa trong quản lý; 71% sản phẩm RAT của các mô hình không sử dụng tem truy xuất nguồn gốc.

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhận định, một trong những nguyên nhân khiến cho sản lượng RAT tiêu thụ thông qua chuỗi chưa nhiều, vì không phải người tiêu dùng nào cũng có thói quen sử dụng sản phẩm rau có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ở khâu lưu thông, hệ thống cửa hàng, đơn vị cung ứng, tiêu thụ RAT còn gặp sự cạnh tranh khốc liệt với rau sản xuất truyền thống về giá bán tại các chợ đầu mối, dân sinh…

Cần chính sách đặc thù cho rau an toàn

Về vấn đề này, Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, hiện nay, lượng RAT tiêu thụ theo chuỗi chỉ chiếm 2% đến3% tổng sản lượng RAT trên địa bàn Thành phố. Trong 45 chuỗi sản xuất - tiêu thụ RAT đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô mới có 30% diện tích ứng dụng công nghệ cao toàn phần; còn lại mới dừng ở mức ứng dụng kỹ thuật và một phần ứng dụng công nghệ cao do nguồn vốn đầu tư hạn chế.

Nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị RAT trên địa bàn, TS Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu rau quả đề xuất, TP. Hà Nội cần ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả. Cụ thể, hỗ trợ các chủ thể liên kết chi phí chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm nghiệm, đăng ký mã số mã vạch, dịch vụ tư vấn về phát triển sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng, năng lực tiếp cận hệ thống kênh phân phối hiện đại cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất.

Dưới góc độ đơn vị sản xuất, Giám đốc HTX Rau sạch Chử Tâm thông tin, thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục duy trì sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng quy mô hệ thống nhà lưới nhà màng; tăng số lượng cửa hàng phân phối do hợp tác xã làm chủ và không ngừng mở rộng chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau an toàn Chử Tâm.

Đồng thời, cho rằng để các mắt xích trong chuỗi liên kết không bị đứt gãy do bất hòa về lợi ích, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho người sản xuất, hợp tác xã; tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng RAT theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng…

Thành Nam

Top