Vui Tết Trung thu “Lung linh trăng rằm” tại Hoàng thành Thăng Long

16/09/2020 4:16 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm phát huy giá trị văn hóa dân tộc, từ 8h30 - 16h30, ngày 26 - 27/9/2020 (Thứ Bảy, Chủ nhật), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu 2020 với chủ đề “Lung linh trăng rằm”.

Chương trình không chỉ mong muốn mang tới cho các em thiếu nhi một mùa Trung thu ý nghĩa, với những hoạt động bổ ích lý thú, mà còn kỳ vọng tất cả mọi người đều có thể có những trải nghiệm, hồi ức về những mùa trung thu đã qua của riêng mình.

Đến với chương trình Vui Tết Trung thu 2020 tại Hoàng thành Thăng Long, các em và các bạn sẽ được tham gia các hoạt động bổ ích và lý thú như tham quan không gian trưng bày với chủ đề “Lung linh trăng rằm”: giới thiệu không gian tết Trung thu nhiều sắc màu với các loại đèn Trung thu truyền thống; xem biểu diễn múa sư tử; trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm một số đồ chơi truyền thống như: Làm đèn lồng giấy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ; tô vẽ mặt nạ giấy bồi; tham gia các trò chơi như: Bộ quái thú siêu to siêu đáng yêu, xích đu, cầu trượt…; tham quan gian hàng tết Trung thu: Đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, tò he…

Quý khách cũng có thể xem trưng bày “Lung linh trăng rằm” theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ truy cập: trưngbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội cho biết, trong dịp này Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cũng sẽ tổ chức một số hoạt động trải nghiệm đặc biệt, phục vụ du khách vào 15h30 ngày 19/9/2020 (Thứ Bảy), bao gồm khám phá nghệ thuật trình diễn làm đèn Trung thu truyền thống của Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền; nghệ thuật tỉa hoa quả, làm hoa quả bằng bột và con giống Đồng Xuân của nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh; phục hồi các con giống Phố Khách, Phú Xuyên... của nghệ nhân Đặng Văn Hậu. Nhà sử học Lê Văn Lan giao lưu, nói chuyện về Giới thiệu về Tết Trung thu và Hội đèn trung thu thời Lê Trịnh dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử; thả đèn hoa đăng tại dòng sông cổ khu vực Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Tết Trung thu hay còn gọi là Tết thiếu nhi, Tết trông trăng diễn ra vào Rằm tháng Tám, là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Đây là thời điểm khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, nhân dân ta mở hội cầu mùa, ca hát, vui chơi. Từ triều Lý, Trung thu là lễ tiết quan trọng của đất nước. Nhà vua tổ chức lễ hội với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước, rối cạn. Sang thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ, dạo ngắm phong cảnh. Đến đời Lê - Trịnh, Phủ Chúa được trang hoàng rực rỡ bằng các loại đèn tinh xảo, lộng lẫy.

Trong dân gian, các gia đình ban ngày cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Mâm cỗ Trung thu với trọng tâm là ông tiến sĩ giấy thể hiện mong ước con cháu mình học giỏi, thành đạt. Tiếp đến là bánh Trung thu; các loại bánh tôm, bánh cá… được làm từ bột nhuộm màu sặc sỡ; hoa quả: bưởi, cốm, hồng, na, chuối. Mâm cỗ trung thu xưa còn có các loại sản vật đặc trưng của mùa thu như: gỏi cá, chả ốc thưởng thức cùng rượu sen. Ngày tết Trung thu, trẻ em được người lớn tặng cho các loại đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ, đèn kéo quân và các loại đồ chơi Trung thu. Vào đêm rằm, trong tiếng trống rộn rã, các bạn nhỏ cầm những chiếc đèn Trung thu lung linh sắc màu cùng nhau rước đèn dưới trăng.

Minh Anh

Top