Vững bước trên hành trình phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại

10/10/2023 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, Thủ đô Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc về truyền thống lịch sử hào hùng. Với điểm tựa là bề dày truyền thống lịch sử, Thủ đô phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại - Ảnh 1.

TP. Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại - Ảnh: VGP/Gia Huy

Hà Nội đang dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến ngày nay vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được khẳng định, TP. Hà Nội quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, hướng đến xây dựng Hà Nội là Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại", ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dù trong bối cảnh nhiều thách thức, Hà Nội nhận được sự quan tâm của Trung ương, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân… Từ đó, Thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đổi mới để sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW đã bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Hà Nội bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn là trên 333.750 tỷ đồng, vượt 7,1% dự toán, tăng 3,0% so với thực hiện năm 2021...

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã nhấn mạnh: Năm 2023, kinh tế Hà Nội tốt lên từng quý (Quý I tăng 5,81%, Quý II tăng 5,93%, Quý III tăng 6,49%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 305.300 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế của Hà Nội là rất sáng.

Hà Nội cũng đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, trong đó, ngành dịch vụ được chú trọng phát triển, tập trung vào số hóa các lĩnh vực dịch vụ, đẩy mạnh thương mại điện tử và phục hồi phát triển du lịch.

Năm 2022, dịch vụ phục hồi mạnh, giá trị gia tăng tăng 10,06%; trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,54%. Còn trong quý III/2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng năm nay tăng 10,5%.

Du lịch là ngành phục hồi khá nhanh của Hà Nội, ngay từ đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách" và "Hà Nội đến để yêu" đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch.

Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt. Tính chung 9 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội gần 3,5 triệu lượt người, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước.

Về tái cơ cấu nội ngành công nghiệp, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, Thành phố đang tập trung thành lập, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư các cụm công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công; phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đã tổ chức khởi công được 13 cụm công nghiệp, 30 cụm công nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công, phấn đấu đến năm 2025 có 159 cụm công nghiệp.

Hà Nội rực rỡ chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô )10/10/1954 - 10/10/2023) - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tiếp tục phát triển; Năm 2022 có 29,57 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 23%). Còn Trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội có 22.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt gần 227.000 tỷ đồng, giảm 14%; có 6.900 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính chung 9 tháng năm 2023, toàn Thành phố thu hút 2.526 triệu USD vốn FDI; trong đó, đăng ký cấp mới 305 dự án với số vốn đạt 270 triệu USD; 130 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 215 triệu USD; 252 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.041 triệu USD.

Năm 2023, Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông với 96 dự án.

Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố đang nỗ lực tập trung thi công khẩn trương, đảm bảo hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đặt ra như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng mức đầu tư 8.113 tỷ đồng; xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình (tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng); tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 (3.242 tỷ đồng); xây dựng nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức (2.384 tỷ đồng); tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm (1.494 tỷ đồng)…

Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ - Ảnh: VGP/Gia Huy

Nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị là những nhiệm vụ Thủ đô tập trong thời gian qua.

Trong đó, công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Sau thời gian triển khai các bước theo quy định, Thành uỷ, UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, khắc phục tình trạng chậm trễ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn Thành phố để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã thực hiện phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nâng tổng số nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14 nhiệm vụ; ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội".

Tiếp tục thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, chung cư cũ, các làng nghề, hoàn thiện chương trình phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch. Thành phố tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 05 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì thành quận. Rà soát, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí thành lập phường, quận; trong đó tập trung đối với tiêu chí chưa đạt, xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện đạt tiêu chí.

Xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị được đẩy mạnh; công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường a) Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá của Thành phố. Tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô và đã khởi công dự án trong tháng 6/2023; hợp long Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, thông xe trong tháng 8/2023; đưa vào sử dụng năm 2023 Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và Đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô

TP. Hà Nội đang thực hiện 3 nội dung lớn, đó là: Tổ chức lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thực hiện nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô được giao tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND Thành phố phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), tiến hành thẩm định và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023.

Theo đó, việc xây dựng dự án Luật được dự kiến trình Quốc hội tại 2 kỳ họp, kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) Quốc hội sẽ nghe, cho ý kiến về dự thảo Luật và sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).

Ngay sau khi trình Chính phủ, Thành phố và Bộ Tư pháp đã chủ động triển khai công tác xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); thành lập tổ công tác nghiên cứu, Ban soạn thảo, Tổ biên tập và ban hành Kế hoạch tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Hiện nay, Thành phố đã phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng sơ bộ dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi để bước đầu thể chế hóa các chính sách được phê duyệt; tổ chức triển khai việc lấy kiến góp ý của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, chính là tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô và đất nước tiến lên.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng Luật, Thành phố đã ban hành, tổ chức triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) về các chính sách đặc thù, vượt trội, các hoạt động của Trung ương, Thành phố trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và nhân dân, thu hút sự quan tâm, tham gia đóng góp xây dựng dự thảo Luật.

Đây là những hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để Thủ đô Hà Nội có thể bứt phá, định hình phát triển Thủ đô trong tương lai, góp phần đạt được mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gia Huy

Top