Xây dựng chính sách cụ thể để doanh nghiệp hỗ trợ phát triển

15/03/2023 2:42 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ đã được các cấp, ngành Trung ương và Hà Nội rất quan tâm, xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải xây dựng những chính sách cụ thể; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Xây dựng chính sách cụ thể để doanh nghiệp hỗ trợ phát triển - Ảnh 1.

Cần những chính sách cụ thể để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ảnh: VGP/TL

Vẫn còn đối mặt khó khăn

Với các sản phẩm trọng tâm là các loại máy biến áp, tủ điện trung thế, hằng năm, Công ty CP thiết bị điện MBT (điểm công nghiệp Sông Cùng, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng) có doanh thu đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, đóng góp ngân sách thuế địa phương và duy trì tốt đời sống an sinh cán bộ công nhân viên.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra của sản phẩm. Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP thiết bị điện MBT cho biết, nguyên nhân do những đầu tư mới của các doanh nghiệp bị hạn chế, trong khi đó, từ đầu tư nước ngoài cho đến vốn đầu tư trong nước của tư nhân, của nhà nước đều giảm. Những việc này dẫn đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, giảm cả về sản lượng và doanh số.

Bên cạnh những khó khăn về đơn hàng, về thị trường, doanh nghiệp cũng đối diện với nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. "Xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của MBT, hiện nay hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho tới máy móc thiết bị của MBT có loại giá thành lên tới chục triệu USD, tất cả đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nguyên nhân do, chất lượng các sản phẩm, máy móc trong nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp", ông Nam nói.

Doanh nghiệp cũng cho rằng, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi nguyên liệu phải 2 - 3 tháng mới về trong khi đó, thời hạn giao hàng của doanh nghiệp cận kề, đôi khi, doanh nghiệp buộc phải xin hoãn, gia hạn thời gian giao hàng…

Theo bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty CP NC Network Việt Nam (đơn vị chuyên kết nối các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ) thì khó khăn phải đối mặt đó là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu...

 "Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu các đơn vị hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn dễ tiếp cận các nguồn vốn, Nhà nước có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để doanh nghiệp không phụ thuộc vào bên ngoài và yên tâm phát triển", bà Hạnh chia sẻ.

Cần những chính sách cụ thể

Theo các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ đã được các cấp ngành Trung ương và chính quyền Thủ đô Hà Nội rất quan tâm, xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách để phát triển, trong đó có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải đẩy mạnh sự quan tâm về vấn đề xây dựng những chính sách cụ thể, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đất nước hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp mong muốn Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ về thông tin của doanh nghiệp đến đối tác bạn hàng về chất lượng sản phẩm; kết nối với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào; nguồn lao động chất lượng…

Trước những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Vân , Phó Chủ tịch Hiệp hội HANSIBA cho hay, công tác phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp Hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA.

Về việc tìm nhà cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, HANSIBA đã và đang triển khai. Tuy nhiên, việc này không chỉ của riêng HANSIBA mà là của cộng đồng doanh nghiệp trong HANSIBA. Phải cùng nhau "hợp sức" để cùng làm.

"Các thành viên trong HANSIBA, có những doanh nghiệp làm ốc vít, có những doanh nghiệp làm quạt phục vụ cho làm máy biến thế. Vấn đề là chúng ta chưa gặp được nhau thôi", ông Nguyễn Vân chia sẻ và cho biết, sau những cuộc đi thực tế, nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng của các doanh nghiệp, HANSIBA sẽ về triển khai kết nối, giúp cung và cầu có thể gặp được nhau.

Về nguồn nhân lực, HANSIBA sẽ làm việc trực tiếp với các trường đại học. Tuy nhiên, hiện các trường đại học có các chương trình đào tạo đặt hàng, các ngày hội việc làm, do đó, đề nghị các doanh nghiệp cũng tham gia các sự kiện này để có thể được nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Về phía chính quyền Thành phố, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để đưa Hà Nội trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư.

Đồng thời, kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại…

Bích Phương

Top