Xây dựng đồng bộ hạ tầng, hướng tới ‘xanh hóa’ xe buýt

05/11/2024 5:32 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, để xe buýt điện dần thay thế xe buýt truyền thống, góp phần hiệu quả trong bảo vệ môi trường, TP. Hà Nội cần đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ cho hoạt động của hệ thống xe buýt điện. Đặc biệt, cần đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, có thái độ phục vụ hành khách chuyên nghiệp…

Xây dựng đồng bộ hạ tầng, hướng tới ‘xanh hóa’ xe buýt- Ảnh 1.

Việc sử dụng xe buýt điện sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Các tuyến xe buýt điện đạt hiệu quả toàn diện

Chia sẻ tại tọa đàm "Xe buýt xanh-Hành trình của tương lai" do Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) phối hợp với Báo Hà Nội Mới tổ chức ngày 5/11, ông Trần Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội cho rằng, vận tải hành khách công cộng những năm qua được Thành phố quan tâm chỉ đạo phát triển.

Cuối năm 2021, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đưa vào vận hành 3 tuyến buýt điện đầu tiên trong cả nước. Đến hết năm 2023, thành phố đã có 10 tuyến xe buýt điện. Tổng số tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện, sạch là 20 tuyến, trong đó, có 10 tuyến sử dụng điện, 10 tuyến sử dụng khí năng lượng tự nhiên CNG.

Qua theo dõi, đánh giá, các tuyến xe buýt điện vận hành gần 3 năm qua cho thấy hiệu quả toàn diện. Về mặt kinh tế, việc đưa các tuyến xe buýt điện được nhân dân, hành khách đồng tình ủng hộ. Vào những khung giờ cao điểm, hệ số sức chứa vượt quá 100%. Chất lượng dịch vụ của xe buýt điện hoàn thiện hơn so với xe buýt thông thường. Thời gian tới, thành phố sẽ nhân rộng xe buýt điện ra toàn mạng xe buýt và sử dụng năng lượng sạch.

Theo thống kê của các chuyên gia, khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Vào những khung giờ cao điểm, nồng độ ô nhiễm khí thải có thể tăng gấp 3-4 lần. Do đó, việc sử dụng xe buýt điện sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường cũng như thu hút được hành khách tăng cường sử dụng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, qua đó, kéo giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, góp phần làm cho thành phố xanh-sạch-đẹp.

Từ góc độ trải nghiệm thực tế của một hành khách có nhiều năm gắn bó với xe buýt Thủ đô, chị Hoàng Ngọc Linh chia sẻ, bản thân rất ủng hộ xe buýt điện vì sau khi sử dụng nhiều loại phương tiện tham gia giao thông, trong đó có phương tiện công cộng, chị thấy xe buýt điện có nhiều lợi ích nhất.

Đầu tiên, sự khác biệt so với xe buýt thường là khi đi xe buýt điện, chị không còn bị say xe. Xe buýt điện sạch sẽ, khoang xe rộng rãi, ngồi thoải mái nên thời gian đi xe buýt với chị là quãng thời gian được nghỉ ngơi.

Ngoài ra, tài xế trên xe rất thân thiện, lịch sự. Các nhân viên trên xe hỗ trợ hành khách nhiệt tình. Xe buýt điện cũng dễ tiếp cận với nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là người khuyết tật, người già. Xe có sàn đỡ nên mọi người lên xe dễ dàng

Chị Linh cũng bày tỏ, vào các khung giờ cao điểm, giao thông công cộng đông đúc, đôi khi người đi xe buýt sẽ vì tắc đường nên đến trễ giờ. Do đó, chị mong cơ quan chức năng xem xét việc hỗ trợ phân luồng, bố trí các làn đường để giao thông không bị xung đột, người đi xe buýt sẽ không bị chậm, muộn...

Xe buýt sử dụng năng lượng sạch chỉ chiếm 13,6%

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành Giao thông Vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có tới hơn 2.000 xe buýt được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện. Số lượng xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt tỷ lệ 13,6% tổng số xe toàn mạng lưới xe buýt.

Ngoài ra, trong số xe buýt đang vận hành có hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu dầu diesel cần thay thế.

Lợi ích của phương tiện xanh, sạch đã rõ và là xu hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel, đang là những khó khăn, thách thức lớn với doanh nghiệp. Cùng với đó là các vấn đề về hạ tầng, trạm sạc. Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.

Từ góc độ kinh doanh trực tiếp, là doanh nghiệp vận hành buýt với toàn bộ phương tiện là xe điện, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus, đưa ra một số kiến nghị, đề xuất. Đó là, hiện Hà Nội mới có định mức cho xe buýt điện lớn, chưa có định mức cho xe điện trung bình và nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp mong Thành phố thúc đẩy để có đủ định mức cho các loại xe buýt điện…

Cần đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng xe buýt điện

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ hiện nay đối với xe buýt xanh, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, thành phố Hà Nội cần cương quyết hơn trong phát triển các phương tiện sạch.

Lấy ví dụ về sự đầu tư, ông Tùng cho hay, tại Bắc Kinh, trong 10 năm, chính quyền thành phố đã chi khoảng 100 tỷ USD để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, trợ giá cho hệ thống giao thông xanh cũng như xây dựng hạ tầng cho xe điện, xe đạp, lối đi bộ…

Ở nước ta, nhiều nhà đầu tư còn e dè vì giá xe buýt điện đắt. Do đó, Chính phủ, các địa phương cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích phát triển loại hình xe buýt này.

Về hạ tầng, để xây dựng trạm sạc cho hệ thống xe xanh, hiện phải qua nhiều thủ tục. Đây cũng là rào cản hạn chế sự phát triển của loại hình phương tiện này. Nếu chúng ta đã khẳng định cần phát triển xe buýt xanh thì cần xoá bỏ những khó khăn, rào cản về cơ chế, đặc biệt, khi Luật Thủ đô sửa đổi đã trao cho Thành phố nhiều cơ chế, thẩm quyền vượt trội.

Mặt khác, hệ thống giao thông xe buýt truyền thống hiện tại cũng cần được nâng cao chất lượng. Hệ thống nhà chờ xe buýt cần được cải tiến bởi nhiều điểm đang bị biến thành nơi thu gom rác, nhiều điểm thậm chí chưa có nhà chờ…

Dù rất khó, nhưng Thành phố cần sớm đầu tư hệ thống cọc báo thời gian các tuyến buýt đến tại các điểm chờ để hành khách biết chính xác giờ xe đến. Thành phố cũng cần cung cấp các phần mềm (app) tốt hơn cho hành khách; đầu tư để tạo kết nối nhiều hơn nữa giữa các loại hình phương tiện vận tải.

"Tôi rất hy vọng đến năm 2030, 100% phương tiện vận tải công cộng của Hà Nội là xe buýt xanh, xe buýt sạch", ông Tùng nói.

Ông Trần Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội cũng cho rằng, Thành phố cần đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ cho hoạt động của hệ thống bus điện như: Lắp các trạm sạc, quy hoạch nguồn điện, hỗ trợ nguồn vốn, lãi vay… Đặc biệt, cần đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, có thái độ phục vụ hành khách chuyên nghiệp.

Trước những khó khăn này, Thành phố cũng đã chỉ đạo Trung tâm lập đề án chuyển từ xe buýt truyền thống sang xe buýt điện. Tuy nhiên, để hệ thống có thể đi vào hoạt động, cần rà soát lại hệ thống định mức đơn giá cho các loại xe buýt có năng lực vận chuyển khác nhau.

"Một vấn đề nữa là các bộ, ngành cần ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với xe buýt điện có thể kéo dài hơn so với các loại xe buýt truyền thống, tăng từ 10 năm lên 15 năm. Đồng thời, xem xét lại thời gian kí kết hợp đồng để bảo đảm các đơn vị vận hành xe buýt điện yên tâm hoạt động", ông Trần Đình Tiến nhấn mạnh.

Diệu Anh

Top