Xây dựng đường sắt đô thị: Từ kinh nghiệm quốc tế đến giải pháp cho Hà Nội

09/10/2024 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Đường sắt đô thị với những ưu điểm vượt trội đã và đang là "trục xương sống" của hệ thống giao thông công cộng đối với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị giúp giải bài toán ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.

Xây dựng đường sắt đô thị: Từ kinh nghiệm quốc tế đến giải pháp cho Hà Nội- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Kinh nghiệm phát triển đường sắt đô thị của các nước

TS. Khuất Việt Hùng, Viện Chiến lược phát triển và Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đường sắt đô thị đang được vận hành tại 63 quốc gia và khoảng 200 thành phố trên thế giới, là loại hình không thể thiếu của hệ thống giao thông hiện đại. Hiện tại, ở nhiều quốc gia trên thế giới, hệ thống đường sắt đô thị được đầu tư, phát triển từ rất sớm và trở thành phương tiện giao thông công cộng chủ đạo, tạo ra nhiều giá trị, lợi ích.

Theo thống kê của Hiệp hội giao thông công cộng quốc tế (UITP), hiện nay có khoảng 200 thành phố sở hữu mạng lưới đường sắt đô thị trên thế giới bao gồm hơn 700 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 17.000 km và khoảng 13.000 ga trên các tuyến. Nhiều thành phố lớn đã đưa vào khai thác đường sắt đô thị từ những năm đầu của thế kỷ 20 và đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển giao thông công cộng của các đô thị lớn trên thế giới.

Điển hình, hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Mátxcơva (Nga) gồm 19 tuyến với tổng chiều dài đường ray 527,6 km. Hiện nay, Mátxcơva đang quy hoạch bổ sung 4 tuyến đường sắt kết nối ngoại đô và mở rộng thêm 1 tuyến; dự kiến hoàn thành năm 2026 nâng chiều dài đường sắt của toàn thànhphố lên 832,3 km.

Hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Paris (Pháp) được xây dựng đầu của thế kỷ 20, tổng chiều dài khoảng 214km, gồm 16 tuyến tàu điện ngầm trong trung tâm phục vụ thành phố và vùng đô thị Paris. Đây được coi là một trong những hệ thống giao thông đô thị tốt nhất về mật độ dịch vụ, tần suất và độ an toàn.

Còn ở thành phố Tokyo (Nhật Bản) - một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, mạng lưới đường sắt đô thị có 14 tuyến, tổng chiều dài 293,1km bao gồm 282 nhà ga đi vào hoạt động từ năm 1927.

Thành phố Singapore hiện nay có 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 231km và 28,6 km đường sắt nhẹ (LRT) đang phục vụ 3,5 triệu lượt khách mỗi ngày. Hệ thống MRT, đang dự kiến mở rộng lên 360 km đến cuối năm 2030 để phủ 80% nhà dân sống trong bán kính 10 phút đi bộ đến nhà ga Metro.

Tại đây, hạ tầng đường sắt đô thị về cơ bản đều được đầu tư theo hình thức đầu tư công, thông qua các cơ quan Chính phủ. Việc quản lý và phát triển đô thị theo định hướng TOD được thực hiện khá đồng bộ với việc đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng đường sắt đô thị.

Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), hệ thống đường sắt đô thị gồm 27 tuyến, trong đó có 22 tuyến metro, 2 tuyến đường sắt sân bay, một tuyến điện từ trường (maglev) và 2 tuyến đường sắt nhẹ (LRT); 490 nhà ga; tổng chiều dài khoảng 836km. Giai đoạn 2022-2027, đường sắt đô thị tại Bắc Kinh sẽ kéo dài thêm 230,4km, với mục tiêu đạt được là 1.000km trong giai đoạn này…

Nguồn vốn để đầu tư xây dựng đường sắt đô thị các nước trên thế giới được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó vốn ngân sách của nhà nước (vốn ngân sách, vốn vay thông qua phát hành trái phiếu, vốn ODA…) đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt trong quá trình hình thành hệ thống đường sắt đô thị ban đầu.

Giải pháp cho Thủ đô Hà Nội

Xây dựng đường sắt đô thị: Từ kinh nghiệm quốc tế đến giải pháp cho Hà Nội- Ảnh 2.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao được đưa vào vận hành từ tháng 8/2024. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Thủ đô Hà Nội là một trong các thành phố có mật độ dân số lớn trên thế giới với hơn 10 triệu người đang sống và làm việc. Với quá trình đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng về dân số, TP. Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhằm giảm thiểu sự ùn tắc và vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và trong Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có mục tiêu: "Hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) vào năm 2035".

Tính đến tháng 8/2024, TP. Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị (Tuyến số 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông, chiều dài 13 km và Tuyến trên cao số 3.1, đoạn Nhổn-ga Hà Nội dài 8,5 km); đang triển khai đầu tư xây dựng 2 tuyến (gồm tuyến đi ngầm Tuyến số 3.1, đoạn Nhổn-ga Hà Nội, chiều dài 4km và Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, chiều dài 11,5km) với tổng chiều dài 37 km/413 km, chiếm khoảng 9% tổng chiều dài mạng lưới theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh các tuyến đường sắt đô thị nêu trên, TP. Hà Nội đang trình phê duyệt đề xuất, chủ trương đầu tư 2 tuyến gồm Tuyến số 3.2 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai, chiều dài 8,8km dự kiến sử dụng vốn ODA và Tuyến số 5 Văn Cao-Hòa Lạc, chiều dài 38,4 km dự kiến sử dụng vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như các dự án đường sắt đô thị có tổng mức đầu tư lớn, đều là các dự án quan trọng quốc gia hoặc trong quá trình triển khai xuất hiện tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và điều chỉnh dự án phức tạp, kéo dài. Công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý thực hiện đầu tư chưa tốt nên quá trình thực hiện đầu tư bị chậm tiến độ.

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xem là một trong các nguyên nhân chính, điểm nghẽn trong việc thực hiện các dự án, làm chậm tiến độ triển khai, đưa dự án vào sử dụng;

Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong việc quy hoạch kết nối giữa đường sắt đô thị với các phương thức vận tải khác chưa đồng bộ; nguồn nhân lực tham gia vào các công đoạn quản lý, thực hiện dự án còn hạn chế, chưa tiệm cận với trình độ quản lý, kỹ thuật tiên tiến của quốc tế; thiếu chuyên gia về đường sắt đô thị;…

Để hoàn thành mục tiêu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TS. Khuất Việt Hùng đề xuất một số nhóm cơ chế, chính sách như về vấn đề quy hoạch, cần cho phép UBND Thành phố lập phương án tuyến, vị trí công trình theo tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch khu vực TOD tỷ lệ 1/2000 để quản lý, dự trữ đất cho phát triển đường sắt đô thị và phát triển đô thị trong khu vực TOD…

Bên cạnh đó, cần ưu tiên tập trung bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất cho đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Về công tác đầu tư, thực hiện các dự án, cho phép TP. Hà Nội không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Đề xuất dự án theo quy định tại Điều 25 Luật Đầu tư công trong trường hợp dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện đầu tư; cho phép TP. Hà Nội căn cứ Quy hoạch chung Thủ đô hoặc Đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư xây dựng dự án các tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô.

Ngoài ra, cho phép TP. Hà Nội bố trí kinh phí để đặt hàng với các trường nghề thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; đào tạo nhân lực có trình độ cơ bản về vận hành đường sắt đô thị, công tác đào tạo được thực hiện trước khi dự án được đưa vào khai thác và nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho đường sắt đô thị,…

Diệu Anh

Top