Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với phát triển đô thị

04/01/2023 2:37 PM

(Chinhphu.vn) - Theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô trong giai đoạn tới, TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, vành đai…gắn với phát triển đô thị.

Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với phát triển đô thị - Ảnh 1.

Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với phát triển đô thị. Ảnh: VGP/Thành Nam

Giao thông kết nối liên vùng

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa; là một trong những điểm sáng phát triển của cả nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Thành phố đã phải đối diện với tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông do hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa bắt kịp tốc đô đô thị hóa, gia tăng dân số cũng như lượng phương tiện cá nhân.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố hiện có gần 23.600 km đường các loại. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị dành cho giao thông tĩnh mới đạt hơn 1%; năng lực của vận tải hành khách công cộng đáp ứng được trên 30% nhu cầu đi lại nhưng chỉ thu hút được khoảng 17,8% số chuyến đi toàn Thành phố. Đa phần người dân vẫn giữ thói quen đi lại bằng xe cá nhân khiến áp lực lên hệ thống hạ tầng của Hà Nội ngày càng nặng nề.

Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối liên vùng cũng như nội vùng, làm tốt một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế-xã hội.

Điển hình là dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Chưa khi nào Thủ đô có một dự án giao thông được quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, huy động đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt như dự án này.

Để bảo đảm tiến độ khởi công siêu dự án có tổng mức đầu tư lên đến trên 83.000 tỷ đồng này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban chỉ đạo chung của toàn dự án. Lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố đã đôn đốc, sát sao đến từng phần việc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ, ngành liên quan từ khâu khảo sát lập dự án cho đến nay là giải phóng mặt bằng. Dù khối lượng công việc rất lớn nhưng Hà Nội đã bắt đầu tiến hành giải phóng mặt bằng, cam kết bàn giao 70% khối lượng cho dự án vào tháng 6/2023, 100% vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông quan trọng của Thành phố đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Hầm chui Lê Văn Lương, Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở… Hàng loạt dự án giao thông khác có vai trò đặc biệt với sự phát triển của Thủ đô đã được khởi động hoặc sắp về đích như: Quốc lộ 6, đoạn Ba La-Xuân Mai; hầm chui Kim Đồng; cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2; tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn-Ga Hà Nội...

Rõ ràng, để có được một chiến dịch phát triển hạ tầng giao thông quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Hà Nội đã đầu tư toàn diện cả về tài chính, cơ chế, chính sách. Trong đó quan trọng hơn cả là nguồn lực đặc biệt từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, sát sao, quyết liệt của Thành ủy, UBND Thành phố.

Tăng cường các chỉ số giao thông tích cực

Năm 2023, Hà Nội sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là tình trạng quá tải hạ tầng, gia tăng phương tiện cá nhân và lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Để vượt qua những khó khăn, thách thức, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tập trung vào công tác quản lý, tổ chức nhằm tăng cường các chỉ số giao thông tích cực. Cụ thể, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển ngành; tăng cường đầu tư, phát triển, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời điều chỉnh tổ chức giao thông khoa học, hợp lý hơn; phát triển vận tải hành khách công cộng...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm, coi đây là giải pháp tích cực nhằm tạo hiệu quả răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Sở cũng cụ thể hóa thành chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể như: Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến hết năm 2023 đạt 21,5-23%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 11%-11,5% đất xây dựng đô thị; xử lý từ 7-10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông...

Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh, dịch vụ, để xe ô tô, xe máy lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; có giải pháp khắc phục tình trạng quá tải giao thông trên các tuyến đường vành đai, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ những dự án đầu tư, công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội. Tăng khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị.

Đặc biệt, tập trung toàn lực cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Triển khai có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố đối với các công tác đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông...

Thành Nam

Top