Xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao là nhiệm vụ của Thủ đô

30/05/2024 2:24 PM

(Chinhphu.vn) - Một trong những nhiệm vụ phát triển của Thủ đô là phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao là nhiệm vụ của Thủ đô- Ảnh 1.

Đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Thủ đô là một trong những nội dung được đại biểu quân tâm thảo luận tại phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về Phát triển giáo dục và đào tạo tại địa bàn. Theo đó, phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Thành phố có nhiệm vụ đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh.

Dự thảo cũng nêu quy định về cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục công lập thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài;

UBND Thành phố quy định các tiêu chí về cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; tiêu chuẩn, điều kiện đội ngũ giáo viên, việc thuê giáo viên người nước ngoài; việc huy động nguồn lực để thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.

Trách nhiệm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, cần coi trọng việc cho phép Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao, coi đây là trách nhiệm của Hà Nội phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai cả nước.

Qua nghiên cứu bản dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhất trí với quy định cho phép chính quyền TP. Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục thủ đô và Nghị quyết số 15 của Trung ương ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có viết: "Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".

Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Thêm vào đó, việc xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao không phải là quy định hoàn toàn mới, thực chất đây chính là sự tiếp nối, kế thừa của của Luật Thủ đô năm 2012. Thực tiễn triển khai quy định về cơ sở giáo dục chất lượng cao thời gian qua ở Hà Nội cũng đã cho kết quả tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh), quy định cho phép chính quyền TP. Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Theo đại biểu, Thủ đô là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa chính trị, quy tụ nguồn lực, nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế. Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giao cho Thủ đô là phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, việc tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ này. Cần coi trọng việc cho phép Thủ đô đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao không đơn thuần là cơ chế đặc thù, vượt trội mà phải coi đây là trách nhiệm của Thủ đô phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai không chỉ cho Thủ đô mà cho cả nước.

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, đối với Thủ đô, đây còn là sự tiếp nối, kế thừa quy định việc xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy…

Liên kết giáo dục cần thời gian xây dựng chương trình phù hợp

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nêu về việc cho phép cơ sở giáo dục đào tạo công lập của Hà Nội được liên kết giáo dục với nước ngoài. Về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng theo Luật Giáo dục hiện hành không có quy định cấm, nhưng cũng chưa có quy định cụ thể nào cho phép các trường mầm non, các trường phổ thông công lập được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục mới chỉ cho phép các trường đại học và các trường tư thục thực hiện các liên kết này mà chưa cho phép các trường mầm non, các trường phổ thông công lập liên kết giáo dục với nước ngoài. Điều này chưa tạo điều kiện thuận lợi để các trường mầm non, các trường phổ thông công lập trên địa bàn Thủ đô, nhất là những nơi bản thân học sinh, các bậc phụ huynh có nguyện vọng, có mong muốn và có điều kiện để đồng hành với các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện liên kết.

Vì vậy, đại biểu nêu ý kiến, để các trường công lập của Hà Nội liên kết được với các cơ sở nước ngoài công tác chuẩn bị không chỉ trong một sớm một chiều mà phải cần có thời gian để lựa chọn chương trình giảng dạy, đối tác liên kết, chuẩn bị cơ sở vật chất, thu hút đào tạo nhân lực, xây dựng chương trình quốc tế hóa phù hợp với nhu cầu, khả năng của người Việt Nam, đảm bảo liên kết hiệu quả, chất lượng.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) nêu thực tiễn, nhiều năm qua, tại Hà Nội nhiều cơ sở giáo dục luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lớp do tốc độ đô thị hoá nhanh, có những trường sĩ số học sinh trên 60 em/ lớp. Nghĩa là Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan toả cho giáo dục phổ thông cả nước và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dưng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyên vọng.

Gia Huy

Top