Thúc đẩy công nghiệp văn hóa Thủ đô và mở rộng cơ chế cho phát triển giáo dục
(Chinhphu.vn) - Những quy định về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được coi là động lực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Phát triển văn hoá Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô; xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, là nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng đặt ra về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành uỷ Hà Nội đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hoá Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường. Đây là nền tảng để Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đặt ra các chính sách về phát triển văn hoá, thể thao và giáo dục có tính đặc thù cho Hà Nội.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá
Với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 5 di sản được UNESCO công nhận, Hà Nội được mệnh danh "Thành phố di sản". Đây là nguồn lực góp phần để phát triển Thủ đô theo hướng bền vững. Để khai thác và phát huy giá trị văn hóa, Thành phố đặc biệt chú trọng việc bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, nhân rộng không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển; đặc biệt phải có quy định đặc thù, vượt trội cho công tác này như đã quy định tại Điều 23 của Dự thảo Luật.
Quy định bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa của Dự thảo Luật Thủ Đô (sửa đổi) cơ bản kế thừa các nội dung tại Điều 11 Luật Thủ đô 2012, đồng thời nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hoá; đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu về thành phố sáng tạo.
Hiện nay, các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực văn hóa chưa có những ưu đãi đặc thù, vượt trội để có thể thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có quy định tạo điều kiện để Hà Nội có thể hình thành một hoặc nhiều Trung tâm công nghiệp văn hoá với những điều kiện thuận lợi về tiếp cận đất đai, ưu đãi đầu tư để thu hút nguồn vốn tư nhân.
Đồng tình với nhiều nội dung trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến công nghiệp văn hóa Thủ đô, song, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần có cơ chế chính sách cụ thể để xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, trong đó cần xác định quy mô, số lượng và nguồn kinh phí cần đầu tư, phát triển bởi không phải công trình trung tâm công nghiệp văn hóa nào cũng đưa vào phát triển. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tạo điều kiện chính sách, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển toàn diện Trung tâm công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Tại điều 38 và điều 41 đề cập đến PPP lĩnh vực văn hóa, thể thao, thử nghiệm mô hình khu phát triển thương mại, văn hóa. Điều 38 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định theo hướng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo pháp luật về PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh việc cho phép PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, Điều 41 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về mô hình "Khu phát triển thương mại, văn hoá hay còn gọi là "Khu thúc đẩy thương mại văn hóa". Theo mô hình này, các chủ thể kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp, người dân/hộ kinh doanh cá thể) hợp tác với nhau hoặc hợp tác thông qua chính quyền sở tại để tạo ra một khu vực đặc biệt về an ninh, vệ sinh và cảnh quan đường phố và thuận tiện cho khách bộ hành và cùng quảng bá, tổ chức các sự kiện để thu hút du khách tới mua sắm, sử dụng dịch vụ…. Mô hình này được thử nghiệm có kiểm soát tại Hà Nội để tạo cơ sở pháp lý để đầu tư, xây dựng, quản lý hiệu quả các khu phố đi bộ, phố "nghề", phố "hàng", qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của Thủ đô.
Các quy định về hợp tác công tư trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao (Điều 24, 42) cũng nêu rõ trong Dự thảo Luật. Bên cạnh việc cho phép dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao ở các dự án có quy mô lớn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cụ thể hóa phương thức O&M của Luật PPP với công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao. Các quy định về hợp tác công tư trong khai thác tài sản công lĩnh vực văn hóa, thể thao và các dự án PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao sẽ góp phần tạo nên các sản phẩm, hoạt động văn hóa, sự kiện thể thao đa dạng, phong phú, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Mở rộng cơ chế cho giáo dục đào tạo của Thủ đô
Mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 15-NQ/TW là "Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...". Hà Nội chú trọng xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục tiên tiến, hiện đại có nhiều cấp học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp với nhu cầu, xu thế phát triển của ngành giáo dục hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.
Quy định tại Điều 24 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép các trường công lập của Thủ đô được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục của nước ngoài theo điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục do Chính phủ quy định. Quy định này vượt trội hơn so với quy định tại Luật Giáo dục và Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (chỉ quy định cho phép cơ sở giáo dục ngoài công lập được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài).
Quy định của Dự thảo Luật cho phép Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động để phù hợp với điều kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của Thủ đô, góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Đồng thời, giữ vị trí đứng đầu cả nước về khoa học, giáo dục, tỷ lệ đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, tăng tính chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Mức hỗ trợ và lộ trình thực hiện việc hỗ trợ học phí không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục (Điều 24) cơ chế đặc thù quy định tại khoản 4 Điều 24 dự thảo Luật góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, nhiều cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, trẻ em được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mở rộng hệ thống các trường tư thục, từng bước giảm tải cho hệ thống trường công.
Tuy nhiên, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô quy định tại Điều 24 dự thảo Luật chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay. Đồng thời, chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành nông thôn; chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô. Vấn đề này cần bổ sung vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Minh Anh