Xây dựng nông dân Thủ đô tiêu biểu, điển hình
(Chinhphu.vn) - Ngày 11/10, Hội Nông dân TP. Hà Nội tổ chức hội nghị Tổng kết 30 năm phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" (1992 – 2002) và biểu dương chi hội nông dân nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022.
Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Phạm Hải Hoa, trong 10 tháng qua, các cấp Hội nông dân thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo bước chuyển biến quan trọng trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, vận dụng các mô hình hay, những kinh nghiệm quý để từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó cũng tập trung nâng cao chất lượng hội viên, tập hợp hội viên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh qua nhiều hình thức như: Đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tham gia các mô hình phát triển kinh tế, các tổ hợp tác, xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp…
Tính đến nay, các cấp Hội đã thành lập và ra mắt 154 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 2.327 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với gần 18.000 hội viên tham gia. Năm 2022, có 287.704 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã vận động hội viên và nông dân đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hơn 2 triệu ngày công lao động và giúp đỡ nhau về cây, con giống... Nhờ vậy đã góp phần vào thành quả chung của thành phố, đến nay Hà Nội đã có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; góp phần nâng cao đời sống nông dân; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Người tốt việc tốt" giai đoạn từ 2005 đến nay, đã có 57 hội viên nông dân được trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc", "Nông dân Thủ đô xuất sắc", 826 tập thể, cá nhân được UBND TP. Hà Nội tặng Bằng khen; 5.314 hộ nông dân được cấp giấy chứng nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố; Hội Nông dân thành phố tặng Bằng khen cho 205 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước các giai đoạn.
Đặc biệt, Hội Nông dân đã hỗ trợ các chi hội, tổ hội Nông dân nghề nghiệp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động có hiệu quả; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã từ chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, điển hình như: Chi Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh miến dong xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai với 29 thành viên ở 3 cơ sở, mỗi cơ sở sản xuất khoảng 10 nhân công, có thu nhập bình quân 8 đến 11 triệu đồng/người/tháng, thu hút khoảng 300 lao động trong và ngoài địa phương. Hay chi hội trồng hoa, cây cảnh xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ với 60 thành viên, thu nhập hàng năm đạt từ 300 - 350 triệu đồng/thành viên, tạo việc làm cho 100 lao động tại địa phương có thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đóng góp của các cấp Hội và toàn thể nông dân Thủ đô. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới nông dân Thủ đô sẽ phải đối mặt với quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế; tình hình dịch bệnh còn phức tạp; quá trình đô thị hoá với tốc độ cao, diện tích đất nông nghiệp hằng năm bị thu hẹp là sức ép lớn đối với nông dân về vấn đề lao động, việc làm, môi trường, đời sống của hội viên nông dân. Vì vậy đòi hỏi các cấp Hội phải nỗ lực tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân trong giai đoạn hiện nay.
Để vượt qua thách thức và hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cấp Hội Nông dân thành phố tiếp tục quán triệt nghiêm túc, sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Thành uỷ và các cấp uỷ Đảng, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời chủ động tham mưu triển khai thực hiên kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy tại hội nghị đối thoại vào ngày 27/9 vừa qua bằng các chương trình, đề án, hoạt động cụ thể, có hiệu quả trong hoạt động thời gian tới góp phần hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp cần tập trung triển khai tổ chức tốt Đại hội hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 – 2028 theo đúng sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố; tập trung đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục, chính trị tư tưởng tới cán bộ, hội viên nông dân; vận động nông dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các dự án đường Vành đai 4 qua thành phố.
Các cấp Hội Nông dân thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng thiệt thực, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao gắn với phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", với việc thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng người nông dân Hà Nội thanh lịch - Văn minh. Tích cực vận động nông dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác vận động nông dân tham gia phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác quốc phòng trên địa bàn.
Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân thành phố cần kịp thời nắm tâm tư, nguyên vọng của cán bộ, hội viên nông dân, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, giải quyết kịp thời quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân.
Thiện Tâm