Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị vệ tinh
(Chinhphu.vn) - Đi lên từ xuất phát điểm thấp nhưng sau khi hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thô mới, Phú Xuyên sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nâng cao, tích hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị vệ tinh.
Ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung
Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch huyện Phú Xuyên, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới huyện còn rất nhiều khó khăn. Các xã trên địa bàn huyện có xuất phát điểm thấp chỉ đạt trung bình từ 5-6 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 14,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,15%.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp hầu hết quy mô nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, chủ yếu độc canh cây lúa, diện tích của các hộ manh mún, chưa có nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất.
Vì vậy, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, đề án, cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Điển hình như Ủy ban MTTQ huyện với cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Hội Nông dân vận động hội viên tham gia phong trào sản xuất kinh doanh giỏi,thực hiện cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra sản phẩm nông nghiệp an toàn"; Hội phụ nữ vận động hội viên thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; tuyến đường phụ nữ tự quản "xanh - sạch - đẹp và nở hoa"…
Với mục tiêu xác định xây dựng nông thôn là "của dân, do dân và vì dân", trong 10 năm qua, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Phú Xuyên đã huy động được 45.000 ngày công lao động và 276 tỷ đồng của nhân dân, cán bộ, các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, những người con xa quê cũng tích cực hưởng ứng, ủng hộ bằng tiền mặt, các công trình, hiện vật, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các công trình phúc lợi, mở rộng đường.
Trong phát triển kinh tế, giai đoạn 2016-2020, huyện có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,65%/năm, tăng 1,26 lần so với giai đoạn 2010-2015. Thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2020 đạt 1.965 tỷ đồng, tăng 257% so với năm 2010. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi được huyện chú trọng đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên diện tích canh tác đạt 200-230 triệu đồng/ha, có mô hình đạt 400 – 500 triệu đồng/ha. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được quan tâm, toàn huyện có 43 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống; có 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Đồng thời đã thành lập được 3 cụm công nghiệp, hiện đã khởi công xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Phú Túc.
Đến năm 2020, huyện hoàn thành xây dựng 100% hệ thống đường trục liên xã, trục liên thôn, xóm, đảm bảo đi lại thuận tiện, cứng hoá được 980 km đường trục chính nội đồng, đạt tỷ lệ 100%. Hệ thống các trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn. Nhờ đó, đến nay toàn huyện đã có 56/88 trường học đạt trường chuẩn quốc gia.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn đã ngày một nâng cao. "Vấn đề phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo là một trong những nội dung chủ yếu, quan trọng nhất của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài của huyện"- ông Thanh cho biết thêm.
Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 52 triệu đồng/người, tăng 37,1 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4%; số người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt tỷ lệ 95,5%. Lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường được quan tâm, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
Với những kết quả đạt được, ngày 25/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới.
Tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm từng bước
Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, huyện Phú Xuyên là "cửa ngõ" phía Nam của Thủ đô, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng. Huyện có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội với những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có thương hiệu, giá trị kinh tế cao.
Vì vậy, theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, huyện Phú Xuyên không nên thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được, mà cần khơi lên khát vọng phát triển, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời tích hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị vệ tinh.
Theo Chủ tịch huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thanh, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, huyện luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, với phương châm thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ", cách thức thực hiện "tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm từng bước".
Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với quá trình đô thị hóa với kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết để đạt mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ khóa XXV đề ra đó là: Phấn đấu đến năm 2025, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 200 sản phẩm OCOP; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng trở lên, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,3%...
Bên cạnh đó, hình thành 4 cụm công nghiệp làng nghề có tính lan tỏa (Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên, Vân Từ), tiếp tục triển khai khu công nghiệp Nam Hà Nội và các khu đô thị bám theo đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường trục phát triển phía Đông. Chương trình OCOP tập trung vào phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp chế biến. Khai thác lợi thế vùng đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch nông trại giáo dục. Hình thành các tuyến, điểm du lịch tham quan như: Khảm trai xã Chuyên Mỹ, Chùa Giáng xã Quang Lãng, Giày da Phú Yên… nhằm kết nối du lịch Thủ đô và du lịch vùng, để từng bước đưa du lịch Phú Xuyên thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Thiện Tâm
* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.