Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới từ nguồn vay ngân sách
(Chinhphu.vn) - Việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ được coi là một giải pháp hết sức hiệu quả, có ý nghĩa lâu dài, đóng góp to lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Xuân Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Tân Dân có 12 thôn với 3.862 hộ dân, 16.215 nhân khẩu, nghề nghiệp chủ yếu là nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, với mục tiêu nâng cao đời sống nông dân nông thôn nên nhiệm vụ thực hiên chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo hàng năm theo Nghị quyết của Đảng bộ được Hội chú trọng và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu.
"Nhận thức rõ chức năng nhiệm vụ được giao, Hội luôn lo lắng trăn trở bởi ngoài các yếu tố thuận lợi về lòng quyết tâm, có sức lao động dôi dư của địa phương, nhưng muốn xóa đói giảm nghèo một cách bền vững thì phải tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, các vấn đề về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, quỹ đất canh tác không nhiều, vốn tự có tích lũy trong dân còn hạn hẹp… dường như những khó khăn trên vẫn là bài toán khó chưa tìm được giải pháp tháo gỡ thỏa đáng", ông Thảo chia sẻ.
Từ năm 2002, với sự ra đời của Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và sự thành lập của Ngân hàng chính sách xã hội, với tiêu chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Thực hiện các Chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ học sinh sinh, cho vay hộ nghèo làm nhà ở, cho vay hộ thoát nghèo…
Với hình thức vay vốn tín chấp (hộ vay không phải thế chấp tài sản và không phải nộp phí thủ tục vay vốn); mức vay, thời gian cho vay từng chương trình khá hợp lý (có sự điều chỉnh tăng mức vay phù hợp theo biến động kinh tế từng thời kỳ), với lãi suất cho vay ưu đãi.
Đồng thời với chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đã giúp cho hộ nông dân, hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận, được vay nguồn vốn vay lãi suất thấp để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Do kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội cho vay tăng trưởng đều qua các năm, cùng nỗ lực phấn đấu vươn lên của nhân dân. Kết quả đến nay toàn xã có 15 Tổ Tiết kiệm và vay vốn do 3 Hội đoàn thể quản lý phủ kín toàn xã, cùng Ngân hàng chính sách huyện tạo cầu dẫn vốn và quản ý vốn ưu đãi của nhà nước tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách hiệu quả và bền vững; có 6/8 chương trình tín dụng đang được đầu tư, với 564 hộ đang vay, dư nợ 22.277 triệu đồng (100% là nợ trong hạn, không có nợ xấu).
Hằng năm bình quân có trên 250 lượt hộ được vay vốn chính sách, mức vay bình quân/hộ cũng dần được nâng cao (2003: 10 triệu đồng/hộ thì đến năm 2022 là 39,4 triệu đồng/hộ).
Trên địa bàn xã có rất nhiều gương hộ điển hình về sử dụng vốn vay hiêu quả, vươn lên thoát nghèo, như: Hộ bà Ngô Thị Huyền ở thôn Ninh Nội thuộc đối tượng hộ nghèo của xã. Năm 2017 gia đình bà có vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Qua 3 năm sử dụng tiền vay, đến nay gia đình bà đã có đàn bò 5 con, tăng thu nhâp bình quân đầu người 3.000.000 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo việc làm ổn định, đời sống được nâng lên và đã thoát nghèo năm 2019.
Theo bà Hoàng Thị Thành, Hội Phụ nữ xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Nghị định 78 của Chính phủ là hết sức thiết thực, được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sóc Sơn, xã Xuân Thu thực hiện, qua đó đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới thành công. Thành quả đó càng khẳng định sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
Trong 20 năm qua, nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách cho vay để sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ đã có nhiều hộ thoát nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người trong thôn và các thôn lân cận, cho thu nhập từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/ tháng.
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết là hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn và đã thoát nghèo, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động. Hay hộ gia đình bà Nguyễn Thị Huấn, từ một gia đình khó khăn không có vốn đã được động viên giúp đỡ và được vay vốn chương trình giải quyết việc làm. Với nghị lực vươn lên, nay gia đình bà đã mở được xưởng mộc và tạo việc làm thêm cho 5 lao động.
\Bên cạnh đó có rất nhiều cháu học sinh, sinh viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn để đi học. Nay ra trường có việc làm ổn định, có những cháu đã trở thành nhà giáo, kỹ sư.
Theo ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch huyện Sóc Sơn, phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội luôn là vấn đề được huyện Sóc Sơn quan tâm đặc biệt. Đồng thời coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng năm.
Huyện Sóc Sơn đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng để thực hiện các nội dung này. Trong đó, tổ chức triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ được coi là một giải pháp hết sức hiệu quả, có ý nghĩa lâu dài, đóng góp to lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Với những nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của các cấp, các ngành và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, trong thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Trung ương và Thành phố đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Từng bước khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội là công cụ, giải pháp quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn phát triển của huyện Sóc Sơn nói riêng cũng như của toàn Thành phố và của cả nước trong giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh, ổn định chính trị xã hội.
Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách triển khai qua Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã giúp hàng nghìn hộ vượt qua được khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, ổn định cuộc sống; góp phần giúp cho trên 4.400 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 102.000 lao động, hỗ trợ 5.200 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo 46.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và xây dựng, sửa chữa 105 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Đồng thời giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Thiện Tâm