Xây dựng nông thôn mới tiệm cận phát triển lên quận

11/05/2023 5:06 PM

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn, huyện Mê Linh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để thực hiện đạt mục tiêu, nhằm tạo tiền đề quan trọng để huyện trở thành một quận của thành phố trong giai đoạn 2025-2030, hướng tới trở thành thành phố phía Bắc Thủ đô vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Xây dựng nông thôn mới tiệm cận phát triển lên quận- Ảnh 1.

Phó Bí thư, Chủ tịch huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Phó Bí thư, Chủ tịch huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, huyện Mê Linh có diện tích tự nhiên trên 14 nghìn ha; trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 8.000 ha, chiếm 57% diện tích đất tự nhiên có trên 2.000 ha đất bãi bồi ven sông Hồng. Nhân dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, là vùng trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung cấp rau quả, hoa lớn cho thành phố (sản lượng rau quả chiếm khoảng 12% thành phố; sản lượng hoa chiếm khoảng 27% thành phố). 

Bên cạnh đó, huyện có vị trí giao thông thuận lợi, nhất là đường vành đai 4 đang được Thành phố chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt. Sau khi dự án hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông huyết mạch quan trọng kết nối giao thương với các địa phương trên cả nước, góp phần phát triển mạnh nền kinh tế - xã hội của huyện và Thủ đô Hà Nội.

Trong những năm qua, huyện luôn xác định phát triển nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng nhằm hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Để cụ thể hóa nhiệm vụ, mục tiêu, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tập trung, có giá trị kinh tế cao, trong đó quy hoạch, quản lý và triển khai quy hoạch vùng sản xuất tập trung; chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời phê duyệt 13 quy hoạch sản xuất cho các xã trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp; qua đó đã hình thành 135 vùng sản xuất tập trung (có 43 vùng sản xuất lúa, chất lượng cao; 92 vùng sản xuất tập trung để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại).

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, huyện Mê Linh cũng từng bước chú trọng triển khai huy động nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các vùng chuyên canh, phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với du lịch sinh thái, hình thành nhiều mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả cao, hiện đang được nhân dân trong và ngoài huyện hưởng ứng, như: Sản xuất hoa lan Hồ điệp công nghệ cao tự động hóa; sản xuất giống hoa cúc bằng phương pháp nuôi cấy mô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; mô hình trồng hoa ly chất lượng cao định hướng xuất khẩu; mô hình hoa hồng thế, bonsai… Xây dựng được thương hiệu, bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao tính cạnh tranh, giá trị sản phẩm. Tích cực triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, huyện có 75 sản phẩm OCOP, trong đó, 43 sản phẩm của 9 chủ thể tiêu biểu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ nhãn hiệu như: Hoa hồng Mê Linh, củ cải trắng Đông Cao, quả Bưởi đỏ Đông Cao, cây Hoa đào Phù Trì...

Từ việc tập trung chỉ đạo, kinh tế huyện Mê Linh đã đạt được kết quả nổi bật. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, đạt 8,4%/năm; tốc độ 3 tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt trên 2.5%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt 262 triệu đồng/ha (vượt 28% so chỉ tiêu đề ra). Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62 triệu đồng/người/năm (tăng 7% so với năm 2021).

Đặc biệt, huyện đã kết hợp việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, có giá trị kinh tế cao với quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa- xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, nhằm hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã đạt được, ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 690/QĐ-TTg công nhận Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Huyện cũng đã và đang định hướng những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực, tạo đột phá vươn lên để "cùng với các địa phương khác sớm phát triển là thành phố phía Bắc sử của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện các mục - tiêu phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhưng phải phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, nông nghiệp trong Thủ đô. Vì vậy, thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển các vùng chuyên canh tập trung, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp đô thị. Duy trì và phát triển các chuỗi liên kết theo hướng chặt chẽ, bền vững. Mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, mong muốn từng bước có được các nông nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây hoa và rau quả nông nghiệp chủ lực, có thương hiệu của huyện.

Xây dựng nông thôn mới tiệm cận phát triển lên quận- Ảnh 2.

Phát triển nông nghiệp là thế mạnh của huyện Mê Linh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện Mê Linh còn gặp khó khăn, hạn chế như việc liên kết giữa sản xuất chế biến và tiêu thụ chưa bền vững, chưa có doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp sơ chế, chế biến, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân, do cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn thấp chủ yếu tập trung hỗ trợ thuê đất, vay vốn, giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp lớn; trong khi chi phí đầu tư hệ thống nhà màng, hệ thống điều khiển tự động trong trồng trọt, chăn nuôi rất lớn; chưa có cơ chế cụ thể cho phép xây dựng các công trình (nhà màng, nhà lưới, kho lạnh...) trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp... nên chưa khuyến khích nhân dân đầu tư trang thiết bị hiện đại để mở rộng sản xuất.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, liên kết trong sản xuất gắn với du lịch trải nghiệm trên địa bàn của thành phố Hà Nội nói chung và huyện Mê Linh nói riêng, theo Chủ tịch huyện Mê Linh huyện rất cần sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT cũng như Thành phố về cơ chế tháo gỡ khó khăn vướng mặc trong việc cho phép lắp, dụng các hạng mục phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; trong đó quy định hướng dẫn rõ các hạng mục được phép xây dựng khi thực hiện mô hình để các doanh nghiệp, cá nhân chủ động trong việc xây dựng phương án thực hiện mô hình.

Theo Bí thư huyện Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm, để đạt được những mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, theo hướng đô thị.

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là tiền đề quan trọng để Mê Linh trở thành một quận của thành phố trong giai đoạn 2025-2030, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố phía Bắc Thủ đô vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Nhóm tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả cao: 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, trải nhựa; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 90,1% người dân tham gia Bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ đấu nối, cấp nước sạch đạt 86%; tổ dân phố được công nhận giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" đạt 94,4%.

Thiện Tâm

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Top