Xây dựng thực phẩm an toàn từ liên kết sản xuất nông sản

24/01/2017 3:29 PM

(Chinhphu.vn)-Là một trong hai thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất cả nước, vì vậy việc sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng đối với Hà Nội.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, do nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ngày càng đa dạng và yêu cầu chất lượng cao của người dân về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như minh bạch về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm… nên việc hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kết nối giao thương trao đổi sản phẩm hàng hóa, nông sản giữa Hà Nội với các địa phương là rất cần thiết.

Chính vì vậy, từ năm 2013 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (QLCLNLTS) Hà Nội đã ký kết chương trình hợp tác với Chi cục QLCLNLTS Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Ninh Bình, Lạng Sơn… Trước đó, năm 2005, Bộ NN &PTNT cũng đã thành lập Ban điều phối và tổ công tác giúp thành lập Ban điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội. UBND TP. Hà Nội cũng đã thành lập Ban chỉ đạo ATTP. Đây là cơ sở để hình thành chuỗi sản xuất rau - thịt của Hà Nội đạt được thành tựu.

Tính đến nay, giữa Hà Nội và các địa phương đã có sự hợp tác, kết nối về thông tin, kinh nghiệm trong việc quản lý chất lượng, ATTP được chia sẻ; các mô hình tiêu biểu trong chăn nuôi bò sữa, gia cầm sản xuất, kinh doanh rau an toàn, nhãn chín muộn, bưởi diễn… được Hà Nội giới thiệu cho các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hải Phòng, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hưng Yên, Băc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức 95 hội nghị/hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho người sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt, Chi cục QLCLNLTS Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp mời đại diện các doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị (Biggreen, Fivimart…) tham gia cùng đoàn công tác đến các tỉnh để kết nối từ sản xuất tới kinh doanh các sản phẩm. Đến nay, chuỗi vẫn duy trì và không ngừng phát triển về số lượng tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng các chủng loại hàng hóa.

Theo đó, thành phố đã xây dựng được 11 chuỗi rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm và 29 chuỗi rau hữu cơ với sự tham gia của 41 siêu thị, cửa hàng, đại lý cung cấp nông sản sạch trên địa bàn thành phố để cung cấp cho người tiêu dùng Hà Nội và các khu công nghiệp của tỉnh, thành phố lân cận như: Chuỗi tiêu thụ rau hữu cơ của công ty Tâm Đạt, công ty Home for, Công ty nông sản ngon, Công ty Vina Gap…

Ngoài ra, Sở NN&PTNT các tỉnh thành viên đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội xúc tiến đưa các dòng sản phẩm sản xuất theo chuỗi bảo đảm ATTP cung cấp cho thành phố. Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội đã liên kết hợp tác với 34 tỉnh, thành phố để kết nối đưa các sản phẩm nông sản an toàn của các tỉnh về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, Hà Nội làm được rất nhiều việc trong phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố. Cùng với các chương trình kết nối, đã có khoảng 550 dòng sản phẩm được nhãn dán QR code và xấp xỉ 700 dòng sản phẩm an toàn được bày bán. Đây là một trong những thành tựu phấn khởi dù chúng ta được triển khai 2 năm.

Trong tháng 11/2016, Sở NN&PTNT Hà Nội đã gửi văn bản đề nghị các sở NN&PTNT các tỉnh giới thiệu sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp bảo đảm VSATTP gửi hồ sơ đến Trung tâm xúc tiến thương mại để quảng bá cho người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm đặc sản cùng với các tỉnh thành khác của Hà Nội. Đây được xem là việc làm năng động, sáng tạo của Hà Nội. Vì vậy, cần thiết phải tăng cường truyền thông và quảng bá cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch và giá cả hợp lý.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, nhờ có chương trình tiêu thụ nông sản với Hà Nội, cả hệ thống chính trị và nhận thức của người dân Hà Nam có chuyển biến tích cực về sản xuất nông sản an toàn. Để chuỗi nông sản đạt được hiệu quả cao từ sản xuất, lưu thông và tiêu thụ, vai trò chỉ huy của các cấp lãnh đạo là vấn đề hàng đầu. Vì vậy, tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào thịt, cá, sữa bò... Qua đó, hy vọng giữa Hà Nam và Hà Nội sẽ có nhiều điểm kết nối để giới thiệu sản phẩm chất lượng mang đặc trưng văn hóa của Hà Nam tới Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Chu Phú Mỹ cũng cho rằng, hiện nay Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn trong việc hình thành chuỗi rau-thịt an toàn; nhất là việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các tỉnh thành còn chậm; công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương còn chưa được chú trọng. Ngoài ra, công tác kiểm soát quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển một số tỉnh, thành chưa chặt chẽ.

Thông tin về một số cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản do các tỉnh cung cấp luôn thay đổi, chưa cập nhật kịp thời nên khó khăn cho công tác phối hợp quản lý…

Vì vậy, thời gian tới, để đẩy mạnh kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho rằng, Hà Nội và các tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia liên kết, hợp tác bền vững. Tăng cường tảo đổi thông tin, thực hiện cam kết bảo đảm ATTP, rõ nguồn gốc, xuất xứ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Khi gặp những rào cản, vướng mắc khó khăn cần phải có ý kiến phản hồi kịp thời với cơ quan quản lý để tháo gỡ, tạo niềm tin với người tiêu dùng và thắt chặt sợi dây liên kết.

Tú Mai

Top