Xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu

13/09/2022 3:36 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho mặt hàng nông sản chủ lực, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp Thủ đô chinh phục được các thị trường khó tính, mang lại giá trị kinh tế cao.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu - Ảnh 1.

Nhãn muộn của Hà Nội đã đặt chân được tới một số thị trường khó tính. Ảnh: VGP/TN

Chú trọng việc cấp mã số vùng trồng

Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP. Hà Nội quan tâm, chú trọng tới cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu. Đến nay, Hà Nội đã cấp 22 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu gồm chuối, nhãn và bưởi và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở phục vụ xuất khẩu. Đáng mừng là nhãn muộn của Hà Nội đã đặt chân được tới một số thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, châu Âu…

Ông Nguyễn Văn Thành, hộ trồng nhãn tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết, mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 4-5 tấn nhãn chín muộn và đã có 2 tấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bán cho doanh nghiệp với giá tại vườn khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với khi chưa xây dựng thương hiệu.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, toàn xã hiện có 220ha rau an toàn, trong đó 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 40-50 tấn rau các loại (rau ăn lá, rau ăn củ, rau gia vị...).

Trong số đó, khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn như: Coop Mart, Metro, AEON… và chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Đặc biệt, hợp tác xã đang duy trì xuất khẩu 300-500 tấn/năm cải thảo, bắp cải, súp lơ... sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, Thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao; 1.071 sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP.

"Đây là một trong những tiềm năng lớn để các doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu nông sản có thế mạnh của Hà Nội sang các nước", ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Đưa cơ chế, chính sách phát triển nông sản chủ lực

Tuy nhiên việc xuất khẩu nông sản chủ lực của Hà Nội vẫn còn khó khăn do nhận thức của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp về bảo hộ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế; một số địa phương sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp, phần lớn nông sản tiêu thụ tại các chợ, kênh tiêu thụ truyền thống...

Nhằm nâng cao vị thế của nông sản Hà Nội ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra thế giới, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao; thúc đẩy liên kết "4 nhà" để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản; tập trung phát triển một số mặt hàng nông sản chủ lực để hình thành vùng nguyên liệu ổn định…

Để các doanh nghiệp hiểu rõ về thị trường, đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu, thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, EVFTA, CPTPP, rào cản thị trường nước ngoài;

Đồng thời hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Hiện TP. Hà Nội đang tiếp tục phát triển sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu: Gạo Japonica (trồng trên diện tích 7.000ha), chuối tiêu hồng (3.200ha), rau an toàn (5.000ha), rau hữu cơ (50ha) và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu…

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; phát triển mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cao, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất Thành phố điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách nhằm phát triển chế biến nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản", lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định.

Hiệu quả thực tế đã chứng minh, từ việc đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu những mặt hàng nông sản đặc trưng của Hà Nội , lượng nông sản an toàn được tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp Thủ đô.

Thành Nam

Top