Xây dựng thương hiệu, phát triển mô hình nông sản an toàn

02/03/2023 4:03 PM

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng, thời gian qua, các đơn vị, địa phương và các cấp Hội nông dân đã nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn theo chuẩn VietGAP và các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Xây dựng thương hiệu, phát triển mô hình nông sản an toàn - Ảnh 1.

Gà đồi Ba Vì được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi chất lượng thơm ngon, bảo đảm an toàn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Anh Trương Viết Huấn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ cho biết, để nâng cao giá trị kinh tế, khai thác hết tiềm năng đất đai, Hợp tác xã đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm nhà lưới trên diện tích 2.500 m2 trồng dưa công nghệ cao, áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước của Israel. Việc áp dụng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao không chỉ hạn chế được tác động cực đoan của thời tiết, tránh côn trùng mà còn không phải sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất. Mỗi vụ dưa trồng trong 3 tháng cho thu hoạch với khoảng 7 - 8 tấn/vụ. Mỗi năm trồng 2 vụ dưa và một vụ dưa chuột hoặc cà chua trong mùa đông cũng cho hợp tác xã thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Do là mô hình công nghệ cao và đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP nên toàn bộ sản phẩm của hợp tác xã đã được chuỗi siêu thị và Hợp tác xã rau củ quả Chúc Sơn bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên người nông dân yên tâm sản xuất, chăm sóc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tương tự tại huyện Ba Vì, ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy An chia sẻ, ngoài việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông sản an toàn, với diện tích đất nông nghiệp lớn, xã Thụy An đang tập trung phát triển các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao kết hợp chăn nuôi gà đồi. Hiện thương hiệu "gà đồi Ba Vì" đang tạo dựng được uy tín và chất lượng sản phẩm cung ứng cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Việc hoàn thiện được các chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ giúp ngành nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho biết, trên cơ sở tập huấn cho các hộ nông dân các mô hình sản xuất nông sản an toàn, Hội Nông dân huyện Ba Vì cũng đã xây dựng được 30 tổ hội nghề nghiệp, xây dựng liên kết chuỗi và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Gà đồi Ba Vì, chè Ba Vì, sữa Ba Vì, mật ong Ba Vì, thịt đà điểu Ba Vì… Hiện nay, huyện Ba Vì đã có 101 sản phẩm OCOP và trong năm 2022 này huyện Ba Vì sẽ đăng ký cho 31 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cho các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng. Cùng với việc hỗ trợ phân hạng sản phẩm OCOP, Hội Nông dân huyện Ba Vì cũng hỗ trợ bà con trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ qua các kênh trực tiếp và trực tuyến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương.

Theo bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội, cùng với chủ trương của Thành phố trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hội Nông dân Hà Nội cũng thúc đẩy các hội viên nông dân tăng cường liên kết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, để giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, xây dựng các chuỗi sản xuất ổn định. Đến nay, các cấp hội nông dân Hà Nội đã xây dựng được 23 hợp tác xã, 708 tổ hợp tác, 274 mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời thành lập được 173 chi hội nghề nghiệp và hơn 2.700 tổ hội nghề nghiệp với trên 33.000 thành viên.

Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ nông dân phát triển thương hiệu, nhãn hiệu; giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho trên 5.300 lượt cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viện nông dân. Thực tế cho thấy, chỉ có tăng cường liên kết, hình thành các mô hình kinh tế tập thể mới tạo nên những sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đó là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Hà Nội để người nông dân có thể yên tâm sản xuất, phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động " Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng nông dân chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn". Tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tập thể sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… tạo ra các sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô.

Thiện Tâm

Top