Xây dựng văn hoá giao thông, bảo đảm an toàn mỗi khi ra đường

20/08/2024 10:13 AM

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác của người tham gia giao thông luôn được xác định là mục tiêu quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Xây dựng văn hoá giao thông, bảo đảm an toàn mỗi khi ra đường- Ảnh 1.

Xây dựng văn hoá giao thông, bảo đảm an toàn mỗi khi ra đường. Ảnh minh họa

Còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp

Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình tai nạn giao thông tại TP. Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn TP. Hà Nội đã xảy ra 805 vụ tai nạn giao thông làm 339 người chết, 688 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 227 vụ (39,27%), tăng 8 người chết (2,42%), tăng 301 người bị thương (77,78%).

Trong đó, có 11 địa phương tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí: Ba Đình, Long Biên, Thanh Xuân, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng. Có 1 địa phương tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí là Hà Đông.

Về nguyên nhân tai nạn giao thông, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội, vi phạm do không chú ý quan sát (30,06%), sai phần đường (11,8%), vượt sai quy định (3,23%), quá tốc độ (6,71%), chuyển hướng sai quy định (5,96%), không giữ khoảng cách an toàn (6,21%), đi vào đường cấm (0,12%), nguyên nhân khác (35,9%).

Các tuyến đường xảy ra tai nạn giao thông, đường liên thôn, liên xã và đường nội thị chiếm tỷ lệ chính (liên thôn, liên xã: 38,39%; nội thị: 30,93%), còn lại là các tuyến cao tốc (0,75%), quốc lộ (12,8%), tỉnh lộ (15,53%), đường sắt (1,61%). Các phương tiện liên quan đến tai nạn mô tô chiếm tỷ lệ chính: 61,62% (bao gồm gây tai nạn và liên quan); ô tô là 32,68%, còn lại là các phương tiện (xe đạp, tàu hỏa, bộ hành và phương tiện khác).

Lý giải nguyên nhân tình hình trật tự giao thông vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, có nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông tại TP. Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng mà ý thức giao thông của người dân là vấn đề lớn nhất.

Điển hình là vẫn còn tồn tại tình trạng một bộ phận người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ sai quy định, không giữ khoảng cách, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…

Đặc biệt, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên hiện nay còn rất kém. Ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP. Hà Nội cho biết: "Hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe máy, xe điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, bóp còi inh ỏi,... diễn ra ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều trường hợp lạng lách, đánh võng, đem theo hung khí khi tham gia giao thông. Tâm lý manh động, chống người thi hành công vụ cũng thể hiện rất rõ ở lứa tuổi này".

Theo ông Tạ Đức Giang, văn hoá giao thông ở học sinh, sinh viên hiện nay còn kém là do sự thiếu hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người trẻ chưa cao. Nhiều cha mẹ còn cho con đi xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe…

Theo một số chuyên gia giao thông, còn một số nguyên nhân dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, số lượng phương tiện tăng nhanh gây áp lực lên giao thông Thành phố;…

Vì vậy, để kéo giảm tai nạn giao thông, không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng mà ý thức giao thông của người dân là vấn đề lớn nhất.

Cần thượng tôn pháp luật để tham gia giao thông an toàn

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường khuyến cáo, người sử dụng phương tiện không chỉ thực hiện tốt việc bản thân tham gia giao thông mà các gia đình cũng cần phải nâng cao ý thức quản lý con em mình.

Tuyệt đối không giao xe cho thanh thiếu niên chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông, không giao phương tiện cho người chưa có giấy phép lái xe theo quy định, không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện…

Đồng thời không sử dụng điện thoại khi đang lái xe, đi đúng phần đường, làn đường quy định, chấp hành nghiêm chỉnh đèn báo hiệu đường bộ…

"Chỉ một hành động tưởng như nhỏ nhưng nếu gây ra tai nạn giao thông thì sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn không chỉ cho bản thân nạn nhân, mà còn đối với cả gia đình và xã hội. Do đó, khi tham gia giao thông ý thức của người dân là quan trọng nhất. Ý thức tốt thì nguy cơ tai nạn giao thông sẽ giảm", ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Bên cạnh việc xử lý vi phạm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng và lên án các hành vi vi phạm giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, từ đó tạo hiệu ứng răn đe. Khi người dân tham gia giao thông có trách nhiệm, kết hợp với sự nhắc nhở, xử phạt của lực lượng chức năng tai nạn giao thông sẽ giảm cả 3 tiêu chí.

Có thể thấy rằng, chỉ có xây dựng được văn hoá giao thông để người dân tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông thì mới giảm được tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn mỗi khi ra đường.

Diệu Anh

Top