Xây dựng vùng trồng bưởi theo hướng VietGAP

28/06/2024 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Hướng tới phát triển nguồn sản phẩm cây ăn quả an toàn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang tích cực xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Xây dựng vùng trồng bưởi theo hướng VietGAP- Ảnh 1.

Hiện nay, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng trồng bưởi theo hướng VietGAP, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VGP/TT

An toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất

Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 10.000 ha trồng bưởi, tập trung ở các huyện như Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Phú Xuyên... gồm nhiều giống bưởi khác nhau như bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Cát Quế, bưởi vàng…

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng những mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, cho giá trị kinh tế cao, đạt khoảng 400-500 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, Hà Nội đã có 2 vùng trồng bưởi đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết, khi tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn kỹ thuật, tạo thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, mà còn bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tốt cho môi trường.

Điển hình, thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất, đất vườn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây bưởi theo hướng tập trung. Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây bưởi, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Lê Hữu Diện, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, hợp tác xã hiện nay có gần 3 ha diện tích trồng bưởi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, năng suất ổn định hơn gấp nhiều lần so với thông thường, tổng sản lượng thu hoạch 30.000 - 40.000 quả/năm và được các doanh nghiệp đặt hàng thu mua khi vào vụ thu hoạch để phân phối vào các kênh bán hàng hiện đại. Đặc biệt quả bưởi trồng theo hướng VietGAP sau khi thu hoạch có độ ngọt cao mà ít bị sâu bệnh, vỏ vàng bóng đẹp, ruột thơm mát, tép bưởi căng mọng, vị ngọt thanh, không he đắng, để càng lâu, càng héo thì ăn càng ngọt.

Hình thành thói quen canh tác khoa học

Để mở rộng diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn thành phố đang tích cực tuyên truyền, tập huấn cho người dân về sản xuất theo quy trình VietGAP. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ các địa phương thành lập HTX, tổ hợp tác tại các xã, thị trấn có vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Song song với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả có hiệu quả cao; tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết, liên minh giữa doanh nghiệp, HTX và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Như Hảo, Giám đốc HTX Sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, huyện Hoài Đức  cho biết các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ các vùng trồng bưởi tập trung về đầu tư cơ sở hạ tầng, để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất quy mô lớn; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho đặc sản bưởi của từng địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình sản xuất bưởi an toàn theo chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, thực tế, khi nông dân sản xuất bưởi theo hướng VietGAP là đã hình thành thói quen canh tác khoa học, bài bản; thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học như trước, khi tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn kỹ thuật, tạo thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, nông dân còn mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, quy hoạch vùng trồng để thuận lợi trồng, chăm sóc, thu hoạch, cho năng suất, chất lượng cao.

Việc áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn từ khâu trồng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Để trồng được quả bưởi ngon, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, người trồng cần lưu ý đến kỹ thuật bón phân, chủ yếu là bón phân hữu cơ. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc cây, cần chú ý đến bệnh nấm, nhện đỏ, sâu đục thân. Để phòng, trừ sâu bệnh cho cây, người trồng chỉ sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Do đó, bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có mẫu mã đẹp, bắt mắt và đều quả.

Phấn đấu mở rộng các mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến trong năm nay, Hà Nội sẽ hỗ trợ các địa phương triển khai tại 3 điểm (xã Quang Minh - huyện Mê Linh, xã Xuân Đình - huyện Phúc Thọ, xã Song Phương - huyện Đan Phượng) với quy mô 20 ha. Hiện các địa phương đã lựa chọn được 111 hộ đủ điều kiện tham gia mô hình và đang triển khai. Ngoài ra, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định, Hà Nội sẽ bố trí cơ cấu giống bưởi chính vụ chiếm khoảng 70% diện tích, rải vụ thu hoạch 30% diện tích còn lại. 

Ngoài các giống bưởi truyền thống, Hà Nội bình tuyển, phục tráng các giống bưởi bản địa, đặc sản địa phương có chất lượng, ít hạt, chống chịu sâu bệnh hại; nghiên cứu, chọn tạo phát triển những giống bưởi mới, có chất lượng, phù hợp thị trường; xây dựng mã số vùng trồng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm bưởi, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Thiện Tâm

Top