Xử lý nghiêm kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ

24/07/2024 4:57 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đã trở thành vấn đề nhức nhối, diễn ra khắp mọi nơi; hàng bày bán tràn lan trên thị trường, nhất là trên môi trường thương mại điện tử, gây không ít khó khăn đối với lực lượng chức năng.

Xử lý nghiêm kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ- Ảnh 1.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng nhập lậu. Ảnh minh họa

Hàng giả vẫn nhức nhối trên thị trường

Với tinh thần cao nhất bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Tây Hồ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc. Điển hình, ngày 1/7, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Tây Hồ và Đội Quản lý thị trường số 9 đã phối hợp kiểm tra kho đồ gia dụng tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng là anh N.V.N. (SN 1993), trú tại huyện Ứng Hoà, Hà Nội không xuất trình được hóa đơn chứng từ đối với 300 viên tẩy lồng giặt Denkmit do nước ngoài sản xuất, là hàng hoá nhập lậu…

Tiếp đến, vào ngày 12/7, tổ công tác này đã kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Đ.T.H ở phường Quảng An. Tại đây, họ phát hiện và thu giữ 9 hộp thực phẩm chức năng bổ gan Artischocken loại 18000mg, 6 hộp hạt nêm hữu cơ Ener Bio loại 290g và nhiều sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng da, sữa tắm có nhãn mác in chữ nước ngoài. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Trước đó, ngày 5/6, Đội Quản lý thị trường số 10 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) phát hiện địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tại xã Phù Lỗ (Sóc Sơn) có khoảng 3.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động các loại và các loại thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ. Đây là vụ việc mà lực lượng chức năng mất thời gian dài theo dõi hàng hóa được đăng bán trên các nền tảng thương mại điện tử (Tiktop Shop)"…

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho hay, để qua mắt lực lượng chức năng, thời gian gần đây xuất hiện nhiều thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu như khai hải quan không đúng thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc lô hàng...

Hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh. Đồng thời mua bán trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh…

Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngày một gia tăng. Thậm chí các đối tượng bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội facebook, youtube ở một nơi nhưng kho hàng thì được tập kết ở nơi khác gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Cần cơ chế quản lý chặt chẽ, minh bạch hơn

Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đỗ Hồng Trung nêu rõ, hiện thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng hiện nay trong công tác quản lý bộc lộ nhiều điểm yếu việc định danh người bán hàng thông qua thuê bao điện thoại, tuy nhiên đến thời điểm này số lượng thuê bao chưa định danh được còn rất lớn điều này đã gây khó khăn không nhỏ trong việc ngăn chặn hiện tượng buôn bán hàng lậu qua thương mại điện tử.

Thực tế chống hàng lậu thời gian qua cho thấy tại các nhóm buôn bán hàng hóa trên mạng xã hội Facebook, Zalo thì chủ thể kinh doanh tận các tỉnh miền núi, không ở Hà Nội nên khó có thể truy bắt.

"Đề nghị Cục thương mại điện tử (Bộ Công thương), bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, ràng buộc những giao dịch từ người bán qua đó bảo đảm tốt nhất về chất lượng sản phẩm, quyền lợi cho người tiêu dùng", ông Trung đề xuất.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho rằng, thời gian tới, việc quản lý các giao dịch điện tử, quản lý thuế, chất lượng hàng hóa trên thương mại điện tử tiếp tục đặt ra nhiều thách thức. Sự phức tạp của hoạt động mua bán, cung cấp dịch vụ, sản phẩm trực tuyến, giao dịch không tiền mặt… yêu cầu cần có những cơ chế quản lý chặt chẽ và minh bạch hơn để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Để ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý, giám sát thông tin, số lượng, chủng loại hàng hóa, xác định có hay không hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử; bên cạnh đó giám sát các hoạt động này tại các trang mua bán trực tuyến để tránh tình trạng trốn thuế.

Mặt khác, Cục kiến nghị bổ sung kinh phí và hậu cần phục vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, như mua sắm trang thiết bị hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, xây dựng kho bãi bảo quản tang vật, xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng; phân công quản lý các cơ sở kinh doanh, địa bàn, lĩnh vực gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các lực lượng chức năng TP. Hà Nội từ nay đến hết năm 2024 tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Diệu Anh

Top