Xử lý sụt lún đoạn cống qua đê hữu Đáy

21/08/2020 6:15 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều tối ngày 21/8 Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp thông tin về tình hình lũ lụt ở Trung Quốc, tình hình mưa lũ ở miền Bắc Việt Nam và lũ lụt trên hệ thông sông Hồng, sông Thái Bình.

Theo ông Trần Công Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT, toàn quốc có tổng số 9.080 km đê (đê sông, đê cửa sông 6.890 km; đê biển: 1.150 km), trên 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng tập trung ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tuy nhiên, hệ thống đê điều ở nhiều địa phương đang bị xuống cấp do những tác động của thiên tai và con người. Theo thống kê, các tuyến đê từ cấp III trở lên còn 399 km đê thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt còn nhỏ; 160 km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 482 cống cũ, hư hỏng; 158 km kè sạt lở, hư hỏng.  230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các cống lớn, đã từng xảy ra sự cố như: cống Cẩm Đình (K1 700 đê Vân Cốc, Hà Nội), cống Liên Mạc (K53 450 đê hữu Hồng, Hà Nội), cống Tắc Giang (K129 452 đê hữu Hồng, Hà Nam),…

“Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 sự cố; đặc biệt, trong những đợt mưa lũ vừa qua, có một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê” - ông Tuyên cho biết.

Tại TP Hà Nội, xảy ra sự cố sụt, sạt cống trạm bơm Tảo Khê, trên đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Đây là cống xây dựng năm 1986, khẩu độ (1,8x2) m, tường xây đá hộc, trần bê tông cốt thép. Ngày 19/8/2020, thượng lưu cống và một phần thân cống bị sạt, sụt. Đến 10h30 ngày 20/8/2020, toàn bộ thân đê hữu Đáy phía trên cống bị sụt thành hố sâu 8m, đường kính 10m.

Ngay khi phát hiện sự cố, chính quyền xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức đã huy động 150 người cùng vật tư, phương tiện tại chỗ khẩn trương xử lý. Hố sụt dài 7,5m, rộng 5,5m, sâu 5,5m. Sự cố đã làm vỡ đoạn đê hữu Đáy, chia cắt tuyến giao thông huyết mạch nối xã Bột Xuyên với xã An Mỹ.

 Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của sự cố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, huyện Mỹ Đức và các đơn vị liên quan đã họp tại hiện trường bàn biện pháp khắc phục.

Cống qua đê hữu Đáy được xây dựng từ năm 1986 bằng đá hộc, trần bằng tấm bê tông cốt thép với khẩu độ rộng 1,8m, cao 2m. Cống có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khoảng 250 ha đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp của xã Bột Xuyên và hơn 1.000 nhân khẩu ở thôn Lai Tảo (xã Bột Xuyên). Qua nhiều năm khai thác, sử dụng, cống đã bị xuống cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết Sở đã đề nghị huyện Mỹ Đức chỉ đạo xã Bột Xuyên và các đơn vị liên quan huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để hoàn thành xử lý sự cố ngay trong đêm 20/8. Huyện Mỹ Đức đã bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi, cảnh báo cho người dân và các phương tiện; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó nếu sự cố phát sinh trở lại...

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức khẩn trương nghiên cứu phương án chống úng ngập thay thế nhiệm vụ tiêu úng của Trạm bơm Tảo Khê…

Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão Hà Nội nghiên cứu, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét, đầu tư kinh phí xử lý khẩn cấp sự cố theo hướng kiên cố, bảo đảm an toàn cho tuyến đê…

Đỗ Hương

Top