Yên Bái và Van-de-Marne: Điển hình về cơ chế hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp

18/04/2023 6:28 PM

(Chinhphu.vn) - Với quan hệ hợp tác tốt đẹp đã có giữa hai tỉnh Yên Bái và Val-de-Marne, các hoạt động hợp tác sẽ được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp nói chung và tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai địa phương Yên Bái - Val-de-Marne nói riêng.

Yên Bái và Van-de-Marne: Điển hình về cơ chế hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp  - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tiếp xã giao đoàn cán bộ tỉnh Val-de-Marne (Cộng hòa Pháp) đến làm việc tại tỉnh. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 vừa tổ chức thành công tại Hà Nội, tỉnh Yên Bái và tỉnh Val-de-Marne đã cùng nhau ký kết Bản ghi nhớ hợp tác xác định tập trung ưu tiên hợp tác nhiều lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, 03 lĩnh vực trong chương trình hợp tác giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh Val-de-Marne của Pháp là: Chuyển đổi sinh thái và chống biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; Nước sạch, thu gom xử lý nước thải, tiếp cận tài nguyên nước, dự phòng và tuyên truyền; Y tế, bảo vệ bà mẹ trẻ em.

Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, ngay sau hội nghị, các hoạt động hợp tác sẽ được thực hiện trên cơ sở phối kết hợp chặt chẽ trong việc đề xuất những nội dung hợp tác.  Theo đó, hai bên sẽ tiến hành hoạt động khảo sát, đánh giá cụ thể nhu cầu của địa phương hưởng lợi, từ đó xây dựng kế hoạch ngân sách cho hoạt động, trên cơ sở chia sẻ nguồn lực tài chính và trách nhiệm giữa các bên đối tác.

Với quan hệ hợp tác tốt đẹp đã có giữa hai tỉnh Yên Bái và Val-de-Marne, các hoạt động hợp tác sẽ được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp nói chung và tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai địa phương Yên Bái và Val-de-Marne nói riêng.

Hội đồng tỉnh Val-de-Marne sẽ cùng tỉnh Yên Bái phát huy tốt nhất lợi thế của mình, cùng nhau xây dựng những chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực cho người dân của hai địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc" phát huy giá trị văn hóa xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", bảo vệ môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Hai quốc gia Việt Nam và Pháp đã cùng nhau thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị được 50 năm (1973 - 2023). Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, nằm trong khuôn khổ mối quan hệ ngoại giao tin cậy vì hòa bình, hợp tác và phát triển giữa 2 nước, khởi nguồn từ năm 1996, trên cơ sở Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Tài chính Pháp và Chính phủ Việt Nam, từ sự nỗ lực của lãnh đạo cấp cao hai tỉnh Yên Bái và tỉnh Val-de-Marne đã gặp nhau và xây đắp lên mối quan hệ hợp tác.

Yên Bái và Van-de-Marne: Điển hình về cơ chế hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp  - Ảnh 2.

Lễ ký kết hợp tác giữa tỉnh Yên bái và tỉnh Van-de-Marne (Pháp) tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trong suốt 27 năm qua, cả hai tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, rào cản của khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, thời gian và không gian, lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh luôn trân trọng, vun đắp để xây dựng nên mối quan hệ hợp tác gắn bó, thân thiết, thắm tình hữu nghị, bác ái góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai đất nước Việt Nam và Pháp.

Theo Bí thư tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, trong 27 năm qua, tỉnh Val-de-Marne đã dành cho tỉnh Yên Bái nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả, thông qua các dự án hợp tác trên các lĩnh vực Y tế, Văn hóa và phát huy giá trị di sản, Cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quy hoạch và môi trường với kinh phí trên 111 tỷ đồng...

Đồng thời tỉnh Val-de-Marne đã đón trên 200 lượt cán bộ của tỉnh Yên Bái thuộc các lĩnh vực trên sang Pháp để học tập, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ, kỹ năng... Hoạt động hợp tác giữa hai tỉnh được coi là một điển hình về cơ chế hợp tác cấp địa phương đã được Chính phủ, nhân dân Việt Nam và các đối tác quốc tế đánh giá cao về sự hiệu quả, đa dạng, năng động và đầy triển vọng phát triển bởi nó dựa trên cơ sở huy động mọi nguồn lực sẵn có, khuyến khích sự tham gia của các đơn vị hành chính và tổ chức của hai địa phương để cùng nhau phát triển một cách bền vững.

Các dự án hợp tác đã góp phần giúp người dân Yên Bái từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống

Chia sẻ về những kết quả trong gần 3 thập kỷ hợp tác với tỉnh Val-de-Marne, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, trong những năm đầu tiên của chương trình hợp tác (1996 - 2005), các hoạt động hợp tác tập trung vào cải thiện kỹ năng chuyên môn cho cán bộ trên các lĩnh vực y tế, nước sạch và xử lý nước thải, cung cấp trang thiết bị cho bênh viện tỉnh Yên Bái với tổng ngân sách ước đạt 2 triệu euros tương đương gần 50 tỷ đồng.

Bắt đầu từ năm 2006, hai tỉnh đã quyết định đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác với việc ký kết và thực hiện 02 thỏa thuận khung giai đoạn (2006 - 2009), (2010 - 2013) tập trung vào các lĩnh vực: Y tế, văn hoá thông tin, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải. Hai tỉnh đã phối hợp triển khai 19 dự án, với tổng ngân sách tỉnh Val-de-Marne đã hỗ trợ 26,42 tỷ đồng và một số nguồn lực khác do hai tỉnh cùng phối hợp huy động từ bên ngoài hơn 900 triệu đồng.

Yên Bái và Van-de-Marne: Điển hình về cơ chế hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp  - Ảnh 3.

Đại biểu Pháp thăm gian hàng OCOP của tỉnh Yên Bái. Ảnh: VGP/Minh Anh

Điển hình các dự án hợp tác trong giai đoạn này là dự án "Xe buýt thư viện lưu động" được triển khai năm 2007 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam đánh giá cao, có tính sáng tạo và độc đáo cần phát huy và nhân rộng mô hình cho các tỉnh trong cả nước. Đến thời điểm hiện tại, dự án đang hoạt động rất hiệu quả. Dự án đã khuyến khích cộng đồng đọc sách và giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa nhất là thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái được tiếp cận với kiến thức và thông tin.

Trong giai đoạn 2014 - 2019, triển khai các dự án trên các lĩnh vực: Nước, Y tế, Văn hóa, Phát triển nông thôn, Đào tạo và nâng cao năng lực, Hỗ trợ chính sách công và Chính sách dự phòng liên quan tới cộng đồng...Trong giai đoạn này, hai tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện 13 dự án, với tổng kinh phí đạt 32,2 tỷ đồng, trong đó Hội đồng tỉnh Val-de-Marne đóng góp 10,82 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái đóng góp 6,95 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn hợp tác này tỉnh Val-de-Marne đã kêu gọi được nguồn tài trợ từ các đối tác của tỉnh Val-de-Marne như Bộ Ngoại giao Pháp, Nghiệp đoàn xử lý nước thải vùng Paris (SIAAP), Cơ quan quản lý lưu vực sông Seine-Nornandie cho các dự án hợp tác trên lĩnh vực quy hoạch, môi trường, nước sạch và nước thải trên 13 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2020, hai tỉnh cùng nhau ký kết thỏa thuận khung hợp tác giai đoạn mới 2020 - 2026 trên các lĩnh vực văn hóa, phát triển kinh tế, y tế, môi trường. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, các hoạt động trao đổi đoàn đã phải tạm dừng và không tổ chức, tuy nhiên với sự nỗ lực từ các cán bộ chuyên môn của hai tỉnh các dự án hợp tác được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Yên Bái, với các Dự án: "Đầu tư lắp đặt van 01 chiều chống ngập khu vực phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái", "Hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Yên Bái", "Thử nghiệm triển khai mô hình phòng chờ dành cho bà mẹ và trẻ em đến khám và tư vấn về chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế tỉnh Yên Bái".

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh Val-de-Marne đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Với tinh thần tương thân tương ái, tỉnh Yên Bái đã kịp thời trao tặng 50.000 khẩu trang y tế cho cán bộ, người dân tỉnh Val-de-Marne để phòng, chống dịch bệnh. Đại diện tỉnh Val-de-Marne coi đây là minh chứng sống động về sự sẻ chia, khẳng định tình hữu nghị, đoàn kết quý báu giữa nhân dân hai địa phương.

Tại Lễ bế mạc Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, đại diện lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và Ủy viên Hội đồng Vùng Nouvel Anquitaine đã trình bày tuyên bố chung của Hội nghị; nhấn mạnh "sự năng động của hợp tác địa phương Việt Nam - Pháp là một động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa bền vững và nhân văn của hai nước".

Minh Anh

Top