Yên Trường-Nơi lưu giữ những nếp nhà cổ kính

22/03/2023 3:21 PM

(Chinhphu.vn) - Cách Thủ đô Hà Nội khoảng chừng 30 km, làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được biết đến là một trong ít ngôi làng cổ nổi tiếng còn giữ được những nếp nhà cổ kính từ thời xa xưa.

Yên Trường-Nơi lưu giữ những nếp nhà cổ kính - Ảnh 1.

Đình làng Yên Trường vẫn giữ được vẻ cổ kính. Ảnh: VGP/Thành Nam

Vào làng Yên Trường, men theo những con ngõ nhỏ, là những cổng nhà cổ, giếng cổ và không gian rêu phong, gần gũi. Người dân mộc mạc, chất phác và mến khách. Các thực thể làng gợi chất quê như cây đa, bến nước, sân đình được người làng bảo tồn bao đời.

So với "Tứ cựu danh thôn" là Đường Lâm, Cự Đà, Cựu Lễ, Ước Lễ thì Yên Trường có phần nhỏ bé hơn nhưng vẫn giữ trong mình vẻ đẹp làng quê yên bình đến nao lòng. Nhiều ngôi nhà ở Yên Trường còn giữ được nét độc đáo với vật liệu làm từ đá ong, không màu mè, không cầu kì hoa mĩ, những bức tường đá ong sậm như sáp mật hiện hữu khắp ngõ xóm.

Làng Yên Trường hiện còn hơn chục ngôi nhà cổ. Ngoài nhà cổ, trên toàn xã có vài ngôi nhà giả cổ, bởi làng Phù Yên thuộc xã Trường Yên nổi tiếng có những người thợ dựng nhà giả cổ khéo tay. Họ có công tu sửa nhiều nhà cổ xuống cấp ở Trường Yên và nhiều địa phương khác. Làng cũng giữ được 9 giếng cổ. 

Nhiều lão niên bộc bạch, ngày xưa cả xã có tới 99 giếng, đa số giếng là "thiên tạo", mạch nước ngầm chắt ra từ vỉa tầng đá ong nên trong, mát và sạch. Đã bao nhiêu thế kỷ trôi qua nhưng xã Trường Yên còn giữ được nhiều chiếc giếng có độ tuổi hàng trăm năm và đây chính là nơi người dân trong làng đem đồ lễ tết ra giấu để chạy giặc năm xưa.

Yên Trường-Nơi lưu giữ những nếp nhà cổ kính - Ảnh 2.

Chiếc cổng nhuốm màu thời gian, rêu phong. Ảnh: VGP/TN

Ông Trần Hữu Mùi, một lão niên làng Yên Trường cho hay, những bức tường, cổng nhà bằng đá ong đã tồn tại hàng trăm năm, được xây dựng rất chắc chắn. Trước kia, ở đây là vùng đồng chiêm trũng, cứ tháng 8 đến tháng 10 là các đợt ngập lụt lại ùn ùn kéo đến khiến gia đình nào cũng ngập trũng trong nước sông về. Rất may nhờ có những thuyền thúng chở đá ong từ ở Kỳ Duyên-Yên Thịnh về cho người dân xây nhà, đắp đê, từ đó cuộc sống của người dân mới yên ổn, ấm no.

Bên cạnh tường đá ong là những cánh cổng cổ kính, thiết kế mái vòm đặc trưng văn hóa Việt. Trên mái vòm thường là biểu tượng bức cuốn thư ghi vài câu chữ Hán Nôm như "Ngũ phúc lâm môn" để mong sự ấm no, hạnh phúc cho gia đình hoặc đơn giản chỉ là hình bông hoa, cây lúa. Tất cả các cánh cổng cổ ở Yên Trường có điểm chung là thấp, phù hợp với chiều cao của người Việt xưa kia. Nhiều cổng có niên đại đến hàng trăm năm.

Làng Yên Trường có một truyền thống vô cùng đặc biệt, mỗi khi con cháu trong nhà công thành danh toại sẽ xây dựng những ngôi nhà giả cổ để cho cha mẹ, ông bà làm nơi thờ tự, cúng bái tổ tiên.Hành động này không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn của con cháu đối với bậc sinh thành mà còn mang lại tinh thần hoài niệm, trân trọng văn hoá nguồn cội của cộng đồng người dân nơi đây.

Không chỉ nổi tiếng bởi một vẻ đẹp thơ mộng, làng Yên Trường còn mang trong mình những kiến trúc, hiện vật lịch sử ý nghĩa, có giá trị. Nằm ở vị trí ngay đầu làng là Đình Yên Trường, nơi thờ đức thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh, đây là một công trình kiến trúc lâu đời và đã được chứng nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia từ lâu.

Có thể thấy, bất kỳ ai đến đây hoặc nhìn qua hình ảnh cũng cảm thấy xao xuyến. Tuy nhiên, hiện nay làng chưa thu hút được khách du lịch mà hầu hết đều tự phát, manh mún do các nhóm phượt hoặc nhiếp ảnh gia thỉnh thoảng ghé thăm.

Yên Trường-Nơi lưu giữ những nếp nhà cổ kính - Ảnh 3.

Bức tường làm bằng đá ong đặc trưng ở Yên Trường. Ảnh: VGP/Thành Nam

Nhiều người dân cho biết, do thiếu quy hoạch và chiến lược phát triển nên số lượng nhà cổ bằng đá ong hiện nay không còn nhiều vì các gia đình đã tu sửa, mua bán hoặc phân chia lại cho con cháu. Nhiều nhà bị biến dạng hoặc bỏ trống không ai chăm sóc.

Hy vọng trong tương lai gần, kế hoạch phát triển làng Yên Trường thành làng du lịch nổi tiếng như một số địa phương khác sẽ được hình thành, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc.

Thành Nam

Top