3 trụ cột để phát triển đô thị xanh bền vững
(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững tập trung vào ba trụ cột chính: Phát triển không gian xanh, năng lượng tái tạo và giao thông bền vững.
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức Diễn đàn "Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững", để các chuyên chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến thực tiễn về phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững.
Cam kết tăng cường diện tích cây xanh trong các dự án phát triển đô thị mới
Diễn đàn "Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững", diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm thứ hai triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cũng như việc Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về "0" (Net Zero) vào năm 2050.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về những xu hướng mới nhất trong phát triển đô thị xanh, những bài học kinh nghiệm từ những thách thức phải đối mặt và các giải pháp phù hợp, hữu hiệu vào quy hoạch và quản lý đô thị nhằm tạo một bước tiến quan trọng, giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà không đánh đổi môi trường sống của thế hệ mai sau…
Trong đó, ba trụ cột chính: Phát triển không gian xanh, năng lượng tái tạo và giao thông bền vững được tập trung thảo luận. Cụ thể, phát triển không gian xanh là việc cam kết tăng cường diện tích cây xanh trong tất cả các dự án phát triển đô thị mới. Việc tích hợp công viên, hồ cảnh quan và vườn treo được kỳ vọng mang đến những không gian mở, tạo điều kiện cho cư dân vừa thư giãn, vừa rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra, việc gia tăng mảng xanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu và gia tăng chất lượng không khí trong khu vực.
Cùng với đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển đô thị xanh. Các dự án mới sẽ áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng bền vững khác nhằm giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon, hướng tới một tương lai sinh thái hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.
Đồng thời, với chủ trương thúc đẩy việc phát triển các mạng lưới giao thông công cộng, cải thiện hệ thống hạ tầng để hỗ trợ xe đạp và đi bộ, cũng như khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh..., sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế khí thải và làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong đô thị.
Phát triển đô thị xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, phát triển xanh, phát triển đô thị xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đô thị xanh không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá lịch sử, nâng cao chất lượng sống.
Đó là nền tảng để xây dựng những cộng đồng thịnh vượng, bền vững, nơi mà tăng trưởng không còn phụ thuộc vào sự khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả của chính quyền và sự đoàn kết chung tay của cả xã hội, quyết định đến sự thành công. Đây chính là con đường giúp các đô thị hiện thực hóa khát vọng trở thành nơi đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát triển nhanh và bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, một đô thị đặc biệt với vai trò là đầu tàu về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế của cả nước. Hà Nội là một trong 20 Thủ đô có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Hà Nội cũng tự hào có một lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức trong thời kỳ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng, TP. Hà Nội cũng phải đối mặt với những thách thức lớn như: Mật độ dân cư đông đúc, quá tải hệ thống y tế và giáo dục, cùng những vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước, ùn tắc giao thông...
Trước hết, Hà Nội đã nỗ lực mở rộng và bảo vệ các công viên, vườn hoa và không gian công cộng với nhiều công trình mới ở Hà Nội được thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tích hợp các công nghệ xanh.
Về lĩnh vực giao thông, Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, bao gồm việc mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh và phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Thành phố cũng thúc đẩy việc sử dụng xe đạp và xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp, khuyến khích lối sống lành mạnh và giảm thiểu khí thải.
Hơn nữa, quản lý năng lượng hiệu quả là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị xanh của Hà Nội. Các chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo đang được triển khai rộng khắp, từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà công sở cho đến việc nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng sang đèn LED tiết kiệm điện.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, khái niệm "đô thị xanh" đã nổi lên như một hướng đi không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đô thị xanh không chỉ là những không gian với nhiều cây xanh, mà còn là sự tích hợp của các giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng, quản lý nguồn nước, giao thông và công nghệ thông tin.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, một trong những hạt nhân của sự phát triển đô thị xanh là việc ưu tiên quy hoạch không gian công cộng và hệ thống cây xanh, trong thời gian tới vấn đề cấp bách là làm thế nào để làm sạch Sông Tô Lịch – dòng sông có ý nghĩa lịch sử, văn hóa với Thủ đô Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho biết, những năm qua, trên địa bàn Thủ đô có nhiều công viên, vườn hoa và hồ điều hòa được tạo lập, cải tạo để tăng cường mật độ cây xanh, giúp điều hòa khí hậu, cải thiện chất lượng không khí. Hệ thống giao thông công cộng cũng được nâng cấp với việc ưu tiên phát triển xe buýt nhanh (BRT), đường sắt trên cao và khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ thông minh. Các tòa nhà xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng đang dần trở thành xu hướng phổ biến trong kiến thiết đô thị mới.
"Để phát triển đô thị xanh bền vững, sự tham gia của cộng đồng là không thể thiếu. Chính quyền và các tổ chức xã hội đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự chung tay của người dân. Việc hưởng ứng của cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn làm đẹp thành phố, duy trì bản sắc văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Trong tương lai, với sự nỗ lực, kiên trì và hợp tác của toàn thành phố, chúng ta tin tưởng rằng Hà Nội sẽ tiếp tục tiến xa hơn trong hành trình phát triển đô thị xanh, trở thành hình mẫu tiêu biểu cho các đô thị cả nước", PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết thêm.
Chiến lược lâu dài nhằm hài hòa cán cân tăng trưởng
Để giải quyết những vấn đề trong phát triển đô thị xanh, thời gian qua, TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, cùng với Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng Xanh... TP. Hà Nội đã cụ thể hóa các định hướng, tầm nhìn chiến lược vào hai quy hoạch và Luật Thủ đô sửa đổi; trong đó các từ khóa "xanh", "số", "thông minh", "bền vững", đã được cấy gen vào các quy hoạch. TP. Hà Nội cũng đang xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với định hướng thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại", xanh, thông minh, thành phố kết nối toàn cầu.
Với mục tiêu hướng tới là đưa Hà Nội trở thành một trong những hình mẫu của đô thị xanh, thông minh, có bản sắc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của Dân tộc Việt Nam, trong đó:
Thứ nhất, quy hoạch và phát triển không gian xanh, không gian công cộng, không gian ngầm, không gian trên cao, không gian số. Mọi dự án phát triển phải lấy tiêu chí xanh làm nền tảng. Các không gian xanh không chỉ tăng cường môi trường sống trong lành mà còn giúp gắn kết cộng đồng.
Thứ hai, cụ thể hóa Luật Thủ đô với phương châm "Thể chế thông thoáng - quản trị thông minh - nhận thức, tư tưởng thông suốt". Với 3 "Quy" đồng bộ để tổ chức thực hiện hiệu quả "Quy hoạch chi tiết - Quy chế, quy trình - Quy chuẩn, tiêu chuẩn".
Thứ ba, đẩy mạnh ba chuyển đổi là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ; ứng dụng công nghệ số. "Chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển nhanh bền vững". Công nghệ được xác định là đòn bẩy quan trọng, giúp quản lý đô thị hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống giám sát môi trường, quản lý chất thải và tiết kiệm năng lượng, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh, nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị bền vững.
Việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn tối ưu hóa công tác quản lý và vận hành đô thị thông qua ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain. Các công nghệ này được tích hợp vào nhiều lĩnh vực quan trọng như giao thông, năng lượng, môi trường và dịch vụ công, giúp giảm ùn tắc, tiết kiệm tài nguyên, thúc đẩy năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế số. Không dừng lại ở đó, đô thị thông minh còn tạo môi trường thuận lợi để người dân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý, minh bạch hóa hoạt động hành chính và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, phát triển giao thông xanh, thông minh, tăng cường đầu tư cho các hệ thống giao thông công cộng như mạng lưới metro, xe buýt nhanh và khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng tiêu chí xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xây dựng "vùng phát thải thấp".
Thứ năm, tăng cường ý thức cộng đồng. Ý thức cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy lối sống xanh bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của từng cá nhân về vai trò và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống. Những thông điệp ý nghĩa, những câu chuyện thành công về lối sống xanh sẽ được lan tỏa rộng rãi để khuyến khích cộng đồng cùng hành động. Tinh thần chung tay của cả cộng đồng chính là nền tảng vững chắc để hướng tới một đô thị xanh, đáng sống và phát triển bền vững.
Thứ sáu, "Tầm sư học đạo", đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế là chìa khóa quan trọng để chúng ta tiếp cận các kinh nghiệm quý báu và công nghệ tiên tiến từ những đô thị xanh hàng đầu thế giới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua các mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương, chúng ta có thể tiếp nhận những giải pháp sáng tạo, các mô hình phát triển hiệu quả đã được kiểm chứng, từ đó áp dụng một cách phù hợp vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế cũng mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là từ các quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ hiện đại…
Thùy Chi