Bài 2: Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

26/11/2023 8:57 AM

(Chinhphu.vn) - Những năm gần đây cùng với sự đổi mới phương thức lãnh đạo, TP. Hà Nội tăng cường chăm lo cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, việc thực hiện dân chủ ngày càng được quan tâm; các vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở.

Bài 2: Lấy người dân làm trung tâm phục vụ- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tiếp công dân định kỳ. Ảnh: VGP/SL

Rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn

Cụm từ "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ" những năm gần đây luôn được lãnh đạo TP. Hà Nội nhấn mạnh tại các hội nghị, cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại với nhân dân. Không dừng lại bằng lời nói xuông, trong các chương trình, hoạt động, Thành phố luôn hướng tới người dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, trong các nhiệm kỳ qua, Nghị quyết của Trung ương đều được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa bằng các chương trình công tác. Trong đó, các chương trình về xây dựng Đảng, Nông thôn mới, quản lý và phát triển đô thị... đã hiện thực hóa chủ trương của Đảng về nâng cao đời sống của nhân dân.

Thành phố đã tập trung thực hiện 3 Chương trình mục tiêu của Trung ương về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chương trình dân tộc miền núi.

Trong những năm gần đây, toàn Thành phố đã tiếp nhận đăng ký, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" với tổng số tiền trên 303 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ vận động được, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 7.600 Nhà đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho gần 10.500 người nghèo.

Đến nay, Thành phố đã giảm được gần 1.580 hộ nghèo, còn lại hơn 2.130 hộ nghèo (tỷ lệ 0,095%), số hộ nghèo khu vực nông thôn là 2.128 (chiếm 0,17% dân cư khu vực nông thôn). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn Thành phố đạt 92,5%; 85% hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn; 94,27% thôn có nhà văn hóa, 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, 63% thôn, làng được công nhận và giữ vững thôn, làng văn hóa.

Thành phố đã quyết liệt thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đến nay, đã có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 số xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và đời sống người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ rệt, góp phần thu hẹp khoảng cách nông thôn và đô thị.

Bên cạnh đó, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được TP. Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, bảo đảm đầy đủ kịp thời, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) được triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô.

Tính riêng trong 15 năm trở lại đây, TP. Hà Nội đã dành trên 4.000 tỷ đổng đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm... cho 5 huyện, 13 xã và 1 thôn vùng dân tộc thiểu số.

Bài 2: Lấy người dân làm trung tâm phục vụ- Ảnh 2.

Công tác chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo đưuọc các cấp Thành phố thường xuyên quan tâm. Ảnh: VGP/SL

Đến nay, 100% xã vùng dân tộc thiểu số của Thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tốc độ phát triển kinh tế-xã hội các vùng dân tộc thiểu số bình quân hằng năm đạt trên 11%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/ năm, có xã 60 triệu đồng/ người/ năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Cùng với đó, bản sắc văn hóa của người dân vùng dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy giá trị, qua đó, góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thủ đô; củng cố thêm niềm tin của nhân dân vùng dân tộc thiểu số với sự lãnh đạo của Đảng.

Quan tâm, giải quyết bức xúc ngay từ cơ sở

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, nhận thức về sức mạnh toàn dân, phát huy dân chủ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo, nhiều cấp ủy các cấp TP. Hà Nội đã chủ động tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Thành ủy tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại với công dân. Từ năm 2016-2021, các cơ quan, đơn vị của Thành phố đã tiếp trên 243.000 lượt công dân, giải quyết gần 96.750 đơn các loại và chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc. Số lượng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố đã giảm rõ rệt.

Ngoài ra, đồng chí Bí thư Thành ủy đã tổ chức đối thoại với đại biểu MTTQ, đại biểu nông dân, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên; Ủy quyền đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì cuộc đối thoại với đại biểu nông dân Thành phố. Đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết.

Hằng năm, trên địa bàn Thành phố có 100% đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; trên 75% đơn vị doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; 100% các cơ quan nhà nước đều xây dựng quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; 100% trụ sở của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, đơn vị đã đặt hòm thư và thường xuyên bố trí bộ phận, cán bộ tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân…

Nhờ đó, niều vấn đề "nóng" liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh như: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng - đô thị, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường... đã được các cấp chính quyền của Hà Nội đối thoại trực tiếp với người dân. Do đó, nhiều vụ việc đã được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp...

Bài 2: Lấy người dân làm trung tâm phục vụ- Ảnh 3.

Lãnh đạo huyện Mê Linh (Hà Nội) trực tiếp đi kiểm tra thực địa ống Cầu Đá và kênh tiêu Yên Nhân-Đầm Và - Ảnh: Cổng TTĐT Mê Linh

Học tập, nêu gương từ các cuộc đối thoại, tiếp dân của lãnh đạo Thành phố, nhiều Sở, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai các hoạt động đối thoại với dân.

Đơn cử như tại huyện Mê Linh, người dân xã Tiền Phong từng rất bức xúc về việc, cống Cầu Đá và kênh tiêu Yên Nhân - Đầm Và, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (thuộc sự quản lý của Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) thường xuyên bị tắc bởi bèo và các loại rác thải. Mỗi khi mưa lớn, nước không thoát kịp gây ngập úng, làm thiệt hại nhiều diện tích rau màu của nông dân. Tại cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Tiền Phong đã kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện sớm chỉ đạo khắc phục để bà con ổn định sản xuất.

Tiếp nhận thông tin, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cùng lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa và chỉ đạo giải quyết. Trong khi chờ Thành phố có phương án xử lý, UBND huyện giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện vớt bèo toàn bộ phía hạ lưu của cống Cầu Đá; UBND xã Tiền Phong tổ chức nạo vét cống Cầu Đá và kênh tiêu Yên Nhân-Đầm Và. Nhờ vậy, từ tháng 9/2023, dòng chảy tại khu vực này đã được khơi thông, cơ bản khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn.

Kiên trì mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Thành phố hiện đang tiếp tục thực hiện các giải pháp liên quan cung cấp nước sạch, cải thiện chất lượng không khí, xử lý ô nhiễm môi trường; tích cực xây dựng quy hoạch phân lũ và quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để toàn bộ dân cư ở khu vực ngoài đê có điều kiện cải thiện cuộc sống...

(Còn nữa)

Gia Huy-Song Linh

Top