Bài 2: Phát triển đô thị: Giải quyết những thách thức đặt ra

06/11/2022 8:34 AM

(Chinhphu.vn) - Chương trình 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã cho thấy quyết tâm của Thành phố trong phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đồng thời, giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội.

Bài 2: Phát triển đô thị: Giải quyết những thách thức đặt ra - Ảnh 1.

Quyết tâm đem đến diện mạo mới sạch đẹp cho Thủ đô. Ảnh: VGP/Thành Nam

Quyết tâm lập lại trật tự văn minh đô thị

Với những gì đang diễn ra, rõ ràng, mục tiêu lập lại trật tự văn minh đô thị ở vỉa hè của Hà Nội vẫn luôn là vấn đề "nóng". Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần nâng tầm mỹ quan, tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách trong và ngoài nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Thời gian qua, nhằm bảo đảm trật tự đô thị, UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) đã giao lực lượng công an và tự quản phường thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm và hằng ngày lập các chốt trực để phân luồng giao thông vào các giờ cao điểm nhằm bảo đảm đường thông hè thoáng, giảm ùn tắc giao thông.

Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội-Chi nhánh Đống Đa cũng đã bố trí trên dọc tuyến 5 thùng rác loại 660ml. Cùng với đó, sau khi được hạ ngầm cáp điện, viễn thông, từ năm 2020, tuyến phố Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng được cải tạo, thay đá lát vỉa hè, đem đến diện mạo mới sạch đẹp.

Không chỉ có những tuyến đường, đầu năm 2022, bãi đất bỏ hoang do ô nhiễm rác thải và nước thải sinh hoạt ở bờ vở sông Hồng thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã được cải tạo thành không gian công cộng đa chức năng xanh, sạch, đẹp, phục vụ chính cộng đồng dân cư.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, sự hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Tài nguyên và Môi trường và công tác giải phóng mặt bằng của phường Chương Dương, dự án đã cùng với cư dân địa phương, các tình nguyện viên yêu Hà Nội dọn sạch hơn 200 tấn rác, tổ chức tập huấn cho cộng đồng về quản lý và giảm thải rác, xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra sông Hồng, làm vườn rừng cộng đồng, đường kết nối với không gian xanh, cũng như cải tạo bãi đất thành sân chơi cho trẻ em.

Cùng với việc chỉnh trang các tuyến phố, những phần việc tưởng chừng rất khó như "vấn nạn" trông giữ xe tự phát, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè nhức nhối một thời cũng đã được nhiều địa phương tích cực dẹp bỏ. Gần đây nhất, công an quận Hoàn Kiếm đã "ra tay" xử lý hàng loạt bãi trông xe tự phát, thường xuyên "chặt chém" người dân.

Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, tất cả những điểm trông giữ xe tự phát đều bị xử lý nghiêm, phạt kịch khung nhằm tạo tính răn đe không tái vi phạm. Đồng thời, công an quận giao cho Công an các phường quản lý, nếu để xảy ra vi phạm sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Từ những hạn chế, tồn tại cũng như những kết quả đạt được trong chỉnh trang bộ mặt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo cũng như quản lý đô thị là hết sức quan trọng.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị

Chương trình 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025" đã cho thấy quyết tâm của TP. Hà Nội trong phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đồng thời, giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội.

Trong 6 nhiệm vụ Chương trình đặt ra, Thành phố chú trọng tới tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ; tập trung huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử...

Cùng với đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị.

Đồng thời, để tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về "tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố".

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đặt ra yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và gắn với việc cụ thể hóa trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Chỉ thị số 14-CT/TU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm Thành phố đang thực hiện nhiều khối lượng công việc lớn liên quan đến quy hoạch, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn toàn mới, là bước đột phá nhằm phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quá trình lập quy hoạch, các cấp, ngành phải quán triệt phương châm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả", cũng như tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước, củng cố tổ chức bộ máy, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương pháp luật, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý…

Mới đây, tại Hội nghị giao ban quý III/2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin một số chỉ tiêu của Chương trình đã đạt kết quả như hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại (hoàn thành Cơ chế đặc thù); Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954…

Để tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung vào công tác chỉnh trang hè, đường phố, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố và các Kế hoạch của UBND Thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Đến nay đã có 14/15 quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU khẳng định, đây là một chương trình lớn và khó, đòi hỏi cách làm rất bài bản, hiệu quả, song song đó cần khai thác triệt để lợi thế của Chương trình, coi là cơ hội lớn tạo bộ mặt đô thị khang trang, không chỉ là nhiệm vụ mà còn là điều kiện gỡ vướng cho phát triển của địa phương.

Vì thế, các sở, ngành, địa phương cần sớm rà soát, chủ động đề xuất giải pháp thiết thực, đồng bộ. Cùng với đó, việc kiểm tra, đôn đốc, kiểm đếm chỉ tiêu, nhiệm vụ, công việc phải được thực hiện thường xuyên để Chương trình số 03-CTr/TU đạt kết quả tốt nhất.

Thành Nam

Top