Bàn giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn

07/11/2023 6:31 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 7/11, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo "Giải pháp quản lý và phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Hà Nội".

Bàn giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn - Ảnh 1.

Điểm du lịch dịch vụ làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) với các mô hình du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Phúc

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10-30%.

Trong hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia "Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.

Thành phố cũng đã chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương.

Tại hội thảo "Giải pháp quản lý và phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Hà Nội",  Sở Du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 11 trang trại có hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp; 4 hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm gồm: Hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), Hợp tác xã rau Đường Lâm (Sơn Tây), Hợp tác xã trải nghiệm xã Đồng Tiến (Ứng Hòa), Hợp tác xã Hồng Vân (Thường Tín).

Theo Sở Du lịch Hà Nội, một trong những mô hình được coi là thành công nhất chính là các trang trại kết hợp nông nghiệp - du lịch - giáo dục học đường như: khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn), trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), du lịch sinh thái - làng nghề ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); vườn sinh thái Phúc Thọ hoa bay (huyện Phúc Thọ)… đã là điểm đến của nhiều nhà trường khi tổ chức hoạt động ngoại khóa, du lịch sinh thái…

Bàn giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm cấy lúa tại Trang trại đồng quê Ba Vì. Ảnh ( Ba vì Homestead)

Trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) được thực hiện từ năm 2008, với mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình thí điểm mang tính gợi mở tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì. Trang trại đã xây dựng các loại hình du lịch nông nghiệp, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc có sự giao thoa kinh, mường, dao; không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống và các sản vật gốc thiên nhiên.

Trang trại cũng gắn kết chặt chẽ với cộng đồng nông dân của các làng nghề nông nghiệp truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa hình thành sản vật trồng trọt và chăn nuôi, để không những có các thông tin thật sự hấp dẫn du khách mà còn trở thành đơn vị quảng bá các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng.

Theo các ý kiến tại Hội thảo, mặc dù, đã có những thành công bước đầu, nhưng số lượng các trang trại nông nghiệp du lịch sinh thái vẫn còn ít, manh mún và tự phát. Thiếu kinh nghiệm quản lý, bảo vệ môi trường, nghiệp vụ du lịch, nhân lực chuyên môn. Các loại hình du lịch này vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là khai thác các sản phẩm sẵn có, chưa tạo ra sự độc đáo về văn hóa và giá trị gia tăng sản phẩm. Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm đến gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Do đó, các ý kiến được đề xuất tại Hội thảo cho rằng, các cơ quan quản lý xây dựng chính sách cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, khai thác điểm đến. Đồng thời, ngành Du lịch cần xây dựng bộ tiêu chuẩn công nhận, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn, từ đó thống nhất cách thức quản lý; đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế nhằm huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, lãnh đạo thành phố luôn trăn trở làm sao để nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long- Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái. Trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa bản sắc dân tộc qua việc gìn giữ phát triển các làng nghề, di sản văn hóa được tôn vinh nhiều hơn để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn bám sát tiến trình đô thị hóa.

Việc phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái dù ở cấp độ nào cũng là những tiền đề quan trọng để xây dựng các miền quê đáng sống. Đối với khu vực ven đô, việc phát triển nông nghiệp ngoài nâng cao đời sống, chất lượng sống cho chính người dân khu vực nông thôn còn có nhiệm vụ quan trọng là "lá phổi xanh" của nội đô.

Sở Du lịch sẽ quan tâm, có những cơ chế chính sách để huyện có thể phát triển điểm du lịch đã được công nhận; hỗ trợ xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tuyến du lịch để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của huyện đem lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý liên quan cũng cần quan tâm quy hoạch không làm phá vỡ không gian sinh thái nông thôn, ảnh hưởng tới những mô hình đã và đang phát triển hiệu quả. Không gian dân cư, không gian sinh thái, không gian cộng đồng được quy hoạch bảo đảm để du khách đến với mỗi miền quê được sống và trải nghiệm tốt khi nhận được sự chào đón thân thiện của người dân địa phương.

Minh Anh

Top