Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các làng nghề Thủ đô

16/08/2024 1:19 PM

(Chinhphu.vn) - Các làng nghề chế biến thực phẩm có thế mạnh và kinh nghiệm làm phong phú hoạt động du lịch địa phương. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các làng nghề Thủ đô- Ảnh 1.

Một cơ sở sản xuất bánh kẹo làng nghề tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: VGP/TL

Theo thống kê, trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội có khoảng trên 200 làng nghề chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Ngoài việc phát triển kinh tế hộ gia đình còn giúp địa phương thay đổi nhanh chóng cuộc sống của nhân dân.

Nổi tiếng với nghề làm giò, chả, người dân làng nghề Ước Lễ, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) đã chủ động đầu tư máy móc, công nghệ, nhằm đưa ra những sản phẩm giò, chả chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Loan (thôn Ước Lễ) chia sẻ, nhằm bảo đảm cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gia đình bà đã đầu tư hệ thống máy xay, máy hấp, bảo quản. Không những thế, nguồn thịt nhập làm giò, chả đều được mua tại các khu chăn nuôi an toàn, người lao động được tập huấn quy trình chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo UBND xã Tân Ước, hiện thôn Ước Lễ còn gần 30 hộ làm nghề giò, chả, hầu hết các hộ đều đầu tư máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại, vừa tăng năng suất, vừa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Huyện Hoài Đức nổi tiếng với nhiều làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, đến nay, các làng nghề đã chủ động đổi mới, sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu. Hiện tại, huyện Hoài Đức có 52/54 làng có nghề, trong đó có 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận là: Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Lưu Xá - Đức Giang; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù; làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế...

Để thúc đẩy kinh tế từ các làng nghề, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, các làng nghề đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm làng nghề sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm của Hoài Đức đã được đưa vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Với cương vị là chủ hợp tác xã làng nghề truyền thống cốm Mễ Trì, bà Ngô Thị Thức cho biết, những năm qua, hợp tác xã làng nghề luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương về công tác an toàn thực phẩm. Vì vậy, thương hiệu "Cốm Mộc Thức" luôn được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng về chất lượng sản phẩm.

Hợp tác xã luôn thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn giống lúa, vùng đồng và các nhà cung cấp phân bón hữu cơ để cho bà con thu mua. Làng nghề truyền thống cốm Mễ Trì liên kết và bao tiêu các vùng nguyên liệu hợp tác xã ký kết hợp tác.

"Các khâu chế biến đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hợp tác xã đã áp dụng công nghệ chống hàng giả Việt Nam, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đường đi sản phẩm đến tay người tiêu dùng qua tem chíp chống giả công nghệ", bà Thức nói.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, hợp tác xã vẫn gặp một số khó khăn. Đơn cử như các thành viên của hợp tác xã chưa tập trung vì đặc thù vị trí địa lý và nhận thức của một số cá nhân thành viên chưa đồng đều; một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn thờ ơ, chưa quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm…

Có thể thấy, ưu điểm chung của các làng nghề chế biến thực phẩm là phát huy thế mạnh, kinh nghiệm ngành nghề truyền thống, tận dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm có sẵn ở địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho số lao động dư thừa, làm phong phú thêm các món đặc sản, góp phần thu hút khách du lịch đến địa phương. Nhưng cùng với những ưu điểm từ việc phát triển đặc sản làng nghề, một vấn đề song hành đáng lo ngại là tình trạng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giải quyết thách thức này, cùng với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thay đổi tư duy trong kinh doanh thực phẩm an toàn, nhất là nhiều cơ sở sản xuất làng nghề đã chuyển vào khu, cụm công nghiệp, nên vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm đã từng bước được khắc phục.

Cùng với các hoạt động tăng cường giám sát, quản lý tại các làng nghề, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để nâng cao hiểu biết cho bà con tại các làng nghề, Sở Công thương cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm.

Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép ba ngành Công Thương, Y tế và Nông nghiệp; phối hợp với từng quận, huyện để hướng dẫn các hộ hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để được cấp các loại giấy về an toàn thực phẩm; hướng dẫn các hộ thực hiện đúng theo quy định và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các hộ đã được cấp giấy chứng nhận.

Không chỉ vào dịp cuối năm, vệ sinh an toàn thực phẩm mới trở thành vấn đề 'nóng', những hoạt động tăng cường quản lý, giám sát, an toàn thực phẩm đang và sẽ triển khai tại các làng nghề Hà Nội sẽ góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; bảo đảm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng.

Diệu Anh

Top