Bệnh viện thứ 2 của Thủ đô triển khai thành công ghép thận từ người cho sống
(Chinhphu.vn) - Sau Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là bệnh viện thứ 2 của Thủ đô Hà Nội triển khai thành công ghép thận từ người cho sống. Bệnh viện chính thức được ghi tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam.
Hiện nay, cả nước có 25 cơ sở y tế đã triển khai ghép tạng thường quy và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội vừa chính thức ghi tên trong số 25 cơ sở y tế này.
3 ca ghép thận đầu tiên thành công chỉ trong 1 tuần
Chỉ từ ngày 8-13/9, Bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận từ người cho sống cùng huyết thống và làm chủ được kỹ thuật ghép thận được hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.
Bệnh nhân nam Phạm Thanh Hân (24 tuổi, ở Nam Định) vừa được ghép thận từ người cho sống là mẹ đẻ. Bệnh nhân phát hiện bị viêm cầu thận năm 17 tuổi và phải chạy thận trong 3 năm gần đây.
Mỗi tuần, bệnh nhân phải chạy thận 3 lần tại Bệnh viện Quân y 354. Tuy nhiên, sau nhiều lần phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai do bệnh tiến triển nặng, chân không đi được, khó thở, phải truyền máu nên một năm trở lại đây, mẹ của bệnh nhân phải lên Hà Nội để chăm con và làm thêm để có tiền cho con tiếp tục chạy thận.
"Sau khi tìm hiểu những người thân trong gia đình có thể cho tặng thận, tôi đã quyết tâm cho con 1 quả thận của mình. Năm ngoái, do gia đình khó khăn nên tôi chưa thể cho con thận, nhưng năm nay, gia đình tôi quyết tâm cứu cháu. Theo tìm hiểu, chúng tôi đã chọn Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để thực hiện", chị Ngô Thị Dinh - mẹ của bệnh nhân chia sẻ.
Ca lấy và ghép thận của mẹ con chị Dinh đã được triển khai cách đây 2 tuần tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Hiện tại, sức khoẻ của 2 mẹ con hoàn toàn khoẻ mạnh.
"Sau khi được ghép xong thận, tôi chỉ có mong ước chạy đến bên ôm mẹ. Mẹ đã sinh ra tôi lần thứ 2. Tôi được tái sinh thêm lần nữa. Tôi sẽ giữ gìn quả thận này thật tốt để không phụ lòng mẹ và các bác sĩ đã thực hiện ghép thận cho tôi", bệnh nhân Phạm Thanh Hân xúc động chia sẻ.
Trước đó, một nữ bệnh nhân 26 tuổi, ở Tuyên Quang cũng đã được ghép thận thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Thận được ghép cho bệnh nhân cũng được hiến từ mẹ đẻ. Đây là bệnh nhân đầu tiên được ghép thận cùng huyết thống tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Một bệnh nhân khác 19 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hoá cũng phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Phương pháp điều trị tốt nhất lúc này là thay thế thận, trong đó ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với bệnh nhân tại thời điểm đó.
Sau khi làm các xét nghiệm sàng lọc người hiến thận từ các thành viên trong gia đình, các bác sĩ kết luận, thận của mẹ đẻ phù hợp để ghép cho bệnh nhân.
Ngày 11/9, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép của 2 mẹ con.
Đây là 3 ca ghép thận đầu tiên và thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội.
Tiến tới ghép thận thường quy và ghép các tạng khác
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, chúng tôi đã rất áp lực để thực hiện 3 ca ghép thận trong vòng hơn 1 tuần, nhưng do có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước, chúng tôi đã tự tin và quyết tâm làm tốt nhất.
Thành công từ các ca ghép thận này chính là minh chứng, trước tiên là niềm hạnh phúc của người bệnh khi được hồi sinh sự sống, sau đó là thành công của cả tập thể Bệnh viện.
"Từ khâu chuẩn bị bữa ăn, quần áo, tắm rửa…đến gây mê, hậu phẫu, xét nghiệm, chẩn đoán…đều được Bệnh viện lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo. Rất nhiều công việc âm thầm khác cùng với sự sự đồng lòng, quyết tâm và kỷ luật của cả Bệnh viện đã tạo nên thành công này và đó là thành công của cả tập thể Bệnh viện", Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ.
Thời gian tới, Bệnh viện sẽ triển khai thường quy kỹ thuật ghép thận. Dự kiến, ngay trong tuần tới, Bệnh viện tiếp tục triển khai ghép thêm 2 ca ghép thận nữa. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, Bệnh viện có thể ghép thận được 5 ca.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phụ trách Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là 1 trong 4 bệnh viện đa khoa lớn nhất của Thủ đô. Trong thời gian qua, Bệnh viện có sự trưởng thành vượt bậc từ cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người...
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hưng, đối với bệnh nhân không may bị suy tạng - căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, lao động, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, trong đó có bệnh suy thận, suy tim, suy gan.
Riêng với bệnh suy thận, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo theo chu kỳ, tối thiểu 3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 3-4 tiếng và phải sống chung cả đời, vì vậy chi phí rất nhiều.
Hiện nay, trên toàn Thủ đô có khoảng 4.000 bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo. Đối với những bệnh nhân này, ghép thận là giải pháp tối ưu để cải thiện cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt với bệnh nhân còn trẻ tuổi, nếu được ghép thận thì hoàn toàn có thể lấy vợ, sinh con và lao động bình thường.
Lãnh đạo Sở Y tế chúc mừng tập thể Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và cho rằng, Bệnh viện đã ghép thận thành công, điều này đồng nghĩa với việc Bệnh viện đã đạt được tầm cao mới. Vì ghép thận thành công phải xuất phát từ cả một ekip chuyên nghiệp từ khâu sàng lọc, tuyển chọn, tạo nguồn, các xét nghiệm, chẩn đoán, siêu âm, gây mê, hồi sức, chăm sóc sau mổ, điều dưỡng…
Ông Nguyễn Đình Hưng đề nghị, thời gian tới, Bệnh viện cần bước vào giai đoạn mới, trong đó tiếp tục nâng cao các chuyên ngành tham gia ghép thận, tiến tới ghép thận từ các nguồn cho khác như nguồn cho từ người chết não và ghép nhiều tạng khác nữa, để phục vụ người dân tốt hơn.
Hiền Minh